Ukraine đã xuất khẩu gần 3 triệu tấn ngũ cốc

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine công bố vào 11/8 cho thấy, cho đến nay, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đạt tổng cộng 2,98 triệu tấn trong niên vụ 2023/24 từ tháng 7 đến tháng 6.

Bộ không đưa ra số liệu so sánh với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho biết các lô hàng ngũ cốc xuất khẩu ở mức 2,34 triệu tấn tính đến ngày 12/8/2022.

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen đã bị ảnh hưởng kể từ khi Nga từ bỏ thỏa thuận tham gia ngũ cốc vào tháng trước. Tuy nhiên, dữ liệu của Bộ không đưa ra phân tích về xuất khẩu kể từ khi thỏa thuận sụp đổ.

 Theo nhiều nhà phân tích, giá ngũ cốc – bao gồm lúa mì và gạo - có thể tăng từ 10 đến 15% do thời tiết khắc nghiệt và Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ảnh: Internet.

Theo nhiều nhà phân tích, giá ngũ cốc – bao gồm lúa mì và gạo - có thể tăng từ 10 đến 15% do thời tiết khắc nghiệt và Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ảnh: Internet.

Ngày 17/7, Điện Kremlin đã rút khỏi thỏa thuận Biển Đen – một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn, làm tăng thêm sự không chắc chắn cho triển vọng toàn cầu. Ngay sau đó, ngày 19/7, giá lúa mì đã có phiên tăng mạnh nhất kể từ khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, tháng 2/2022.

Bộ Nông nghiệp cho biết Ukraine đã xuất khẩu 701.000 tấn ngũ cốc trong tháng 8 cho đến nay.

Tổng khối lượng ngũ cốc xuất khẩu từ đầu mùa vụ này bao gồm 1,42 triệu tấn ngô, 1,18 triệu tấn lúa mì và 364.000 tấn lúa mạch. Xuất khẩu cả niên vụ 2022/23 đạt gần 49 triệu tấn, vượt mức 48,4 triệu tấn của niên vụ trước.

Là một nước trồng và xuất khẩu ngũ cốc lớn, sản lượng ngũ cốc của Ukraine giảm xuống còn khoảng 55 triệu tấn trọng lượng sạch trong năm 2022, giảm từ mức kỷ lục 86 triệu tấn vào năm 2021.

Trong một cuộc họp báo mới đây về Triển vọng kinh tế thế giới, nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết: “Thỏa thuận ngũ cốc đã kết thúc… điều đó có khả năng gây áp lực tăng giá lương thực”.

Đó là chưa kể đến thời tiết El Nino ảnh hưởng tới sản lượng ở khắp nơi trên thế giới, tạo ra nhiều bất ổn hơn cho nhà nhập khẩu ngũ cốc.

Theo FAO, giá lúa mì quốc tế tăng 1,6% trong tháng 7 so với tháng 6, lần tăng đầu tiên trong 9 tháng; giá gạo tăng 2,8% trong tháng 7 so với tháng 6 và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Thậm chí giá dầu thực vật còn tăng mạnh hơn, tăng 12,1% trong tháng 7 so với tháng 6, sau khi giảm 7 tháng liên tiếp trước đó. Trong nhóm này, FAO cho biết giá dầu hướng dương tăng 15% sau “những bất ổn mới” về nguồn cung sau khi kết thúc thỏa thuận ngũ cốc

Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO cho biết: “Mặc dù thế giới có đủ nguồn cung lương thực, nhưng những thách thức đối với nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn do xung đột, hạn chế xuất khẩu hoặc thiếu hụt sản xuất bởi thời tiết có thể dẫn đến mất cân bằng cung và cầu giữa các khu vực…., thiếu khả năng tiếp cận lương thực do giá cả ngày càng tăng và khả năng mất an ninh lương thực."

Điệp Nguyễn (Theo HSNW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ukraine-da-xuat-khau-gan-3-trieu-tan-ngu-coc-post260198.html