Ukraine dọa tái phát triển vũ khí hạt nhân: Từng là cường quốc thứ 3 thế giới

Ukraine dọa tái phát triển vũ khí hạt nhân làm người ta nhớ lại rằng, sau khi Liên Xô tan rã, nước này đã trở thành cường quốc hạt nhân số 3 thế giới.

Ukraine đe dọa hủy Bản ghi nhớ Budapest 1994

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố dự định bắt đầu tham vấn ý kiến các nguyên thủ quốc gia khác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ Budapest 1994.

Được biết, vào ngày 5 tháng 12 năm 1994, Ukraine ký vào Bản ghi nhớ Budapest, theo đó nước này tiến hành loại bỏ kho vũ khí hạt nhân còn sót lại từ thời Liên Xô đã đưa nước này trở thành cường quốc hạt nhân số 3 thế giới (sau Nga, Mỹ), để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Nga, Hoa Kỳ và Anh.

Kiev cũng liên kết vào “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” (NPT) và sau đó chuyển hơn 1.200 đầu đạn hạt nhân tới Nga. Từ năm 1996 đến năm 2002, dần dần tháo dỡ các bệ phóng mặt đất cho ICBM R-36M và tên lửa tàu hỏa RT-23 Molodets, cùng với hàng chục máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và cơ sở hạ tầng hạt nhân, tên lửa ở Ukraine.

Theo kênh RT của Nga, ông Zelensky chỉ ra rằng, Ukraine đã tham gia Bản ghi nhớ Budapest vào năm 1994 và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh, nhưng ngày nay, an ninh của nước này không được bảo đảm.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng, “chỉ trích tập thể” của các đồng minh phương Tây cho đến nay vẫn chưa biến thành “các hành động tập thể”. Ukraine không cần các biện pháp trừng phạt khi nước này đã bị bắn, khi mất đi biên giới, khi mất một phần lãnh thổ lớn hơn diện tích của Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ và quan trọng nhất là mất đi hàng triệu công dân.

Ukraine tái phát triển vũ khí hạt nhân, xét về mặt công nghệ là có thể được nhưng trên thực tế nước này sẽ không thể làm được

Ukraine tái phát triển vũ khí hạt nhân, xét về mặt công nghệ là có thể được nhưng trên thực tế nước này sẽ không thể làm được

Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine đã 3 lần tìm cách tham vấn với các quốc gia bảo lãnh của Bản ghi nhớ Budapest để nỗ lực rà soát các điều khoản nhưng không thành công và nước này quyết định làm điều đó lần thứ tư và đây sẽ là nỗ lực cuối cùng từ phía Ukraine.

Ông Zelensky nhấn mạnh, nếu hội nghị thượng đỉnh của các nước tham gia thỏa thuận này không diễn ra hoặc các nước này không cấp cho Kiev các đảm bảo an ninh, thì Bản ghi nhớ Budapest không có tác dụng gì cả, và chính quyền Ukraine có thể bác bỏ hiệu lực của văn kiện, tức là không loại trừ khả năng tái sở hữu vũ khí hạt nhân.

Phát ngôn lừa dối và tống tiền?

Bình luận về lời đe dọa của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky về từ bỏ quy chế phi hạt nhân của đất nước, CEO Trung tâm Phân tích Chính trị và Nghiên cứu Xã hội Nga là ông Pavel Danilin nhận xét rằng, đó chỉ là phát ngôn lừa gạt người dân vô tội vạ và tống tiền phương Tây.

Mặc dù Ukraine có những cơ sở cần thiết để tái trở lại quy chế của một quốc gia hạt nhân như: Còn sở hữu những công nghệ hạt nhân và chế tạo nền tảng phóng của chúng là tên lửa đạn đạo liên lục địa hay máy bay ném bom chiến lược, nhưng nước này sẽ không thể tái phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo ông, vấn đề đầu tiên là việc mở rộng số lượng thành viên của Câu lạc bộ hạt nhân (chính thức có 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc; phi chính thức có Israel, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên), không có lợi cho bất cứ ai.

Vấn đề thứ hai là tư cách thành viên của Câu lạc bộ hạt nhân đòi hỏi phải đáp ứng sự hợp lý và ổn định tối thiểu ở đất nước đó.

Kiev không có bất cứ điều kiện nào kể trên, trong khi đó đất nước lại đang ở trong tình trạng nội chiến và có xung đột khá nghiêm trọng với nước láng giềng hạt nhân gần nhất là Nga.

Trong bối cảnh này, việc Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến sự suy thoái hoàn toàn trong khu vực an ninh châu Âu. Cả Mỹ, Pháp, Đức và các nước châu Âu khác “sẽ chẳng vui mừng gì” với triển vọng một đất nước hỗn loạn như Ukraine sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vì vậy, Ukraine đừng mong dựa vào sự ủng hộ chính trị của các nước phương Tây dành cho tham vọng hạt nhân của Kiev. Bên cạnh đó, Nga chắc chắn sẽ có hành động cứng rắn để ngăn chặn một “đất nước láng giềng thù địch” với mình sở hữu loại vũ khí chết chóc này.

Hơn nữa, để thực sự trở thành một quốc gia hạt nhân quân sự, Ukraine cần một khoản tiền khổng lồ hàng trăm tỷ USD, thậm chí có lớn hơn GDP của nước này trong một năm (năm 2020 là 155,5 tỷ USD, năm 2021 khoảng 164 tỷ USD), để làm giàu nhiên liệu hạt nhân lên cấp độ vũ khí và chế tạo, sản xuất hàng loạt các phương tiện mang phóng chúng.

Không đạt mục đích và bị cô lập

Một chuyên gia Nga khác là ông Alexandr Uvarov, Tổng biên tập cổng thông tin AtomInfo chuyên về điện hạt nhân cũng cho rằng, Ukraine chắc chắn sẽ bị quốc tế cô lập và hứng chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nếu nước này cứ cố sức chế tạo vũ khí hạt nhân.

Theo ông, quy chế phi hạt nhân của Ukraine được xác định bằng việc nước này tham gia NPT năm 1994. Hiệp ước này quy định, chỉ những nước đã phát triển và tiến hành thử nghiệm từ trước năm 1967 mới có thể sở hữu vũ khí hạt nhân và Ukraine rõ ràng không nằm trong số này.

Nếu như Ukraine bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân mà không rút khỏi Hiệp ước NPT, tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân là thành viên Hiệp ước NPT (Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Trung Quốc) sẽ ra tay ngăn chặn không để cho nước này “phá rào”, bởi đó sẽ là tiền lệ nguy hiểm đối với thế giới.

Nếu Ukraine tuyên bố rút khỏi Hiệp ước NPT (Điều X của văn kiện cho phép các quốc gia có thể rút khỏi hiệp ước này), thì quyết định của Kiev sẽ là chủ đề thảo luận chính tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi xem xét toàn diện và kỹ lưỡng các luận cứ của Ukraine.

Nếu thấy rằng chính quyền Kiev không có lí do chính đáng để làm như vậy, Hội đồng Bảo an có thể đưa ra biện pháp cưỡng chế chống Ukraine, bao gồm cả áp đặt lệnh trừng phạt đối với tất cả các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực hạt nhân của nước này.

Như vậy, trong trường hợp rút khỏi Hiệp ước NPT, Ukraine sẽ buộc phải dừng hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân của mình, bởi nước này phụ thuộc 100% vào nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân, mà nguồn cung cấp đó sẽ chấm dứt ngay khi Kiev ra khỏi NPT.

Nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ dẫn đến thực tế là Ukraine chắc chắn không thể hoàn tất kế hoạch của mình, đồng thời sẽ bị quốc tế cô lập, rơi vào tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với bây giờ.

Nguyễn Ngọc

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ukraine-doa-tai-phat-trien-vu-khi-hat-nhan-tung-la-cuong-quoc-thu-3-the-gioi-post496165.antd