Ukraine kêu gọi WHO dừng hợp tác với Nga, Hội đồng Bảo an LHQ có động thái hiếm gặp
Bộ Y tế Ukraine kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngưng mọi hợp tác và trao đổi thông tin với Nga, vì chiến dịch quân sự mà Kiev cáo buộc là 'tội ác chống lại loài người'.
Đài RT dẫn thông cáo ngày 27/2 của Bộ Y tế Ukraine cáo buộc quân Nga đã tấn công cả dân thường và các y, bác sĩ ở nước này, thông qua các vụ pháo kích nhằm vào hàng loạt bệnh viện, xe cứu thương, trại trẻ mồ côi và công trình dân sự ở các khu dân cư.
Nhà chức trách Ukraine không đưa ra bất kỳ ví dụ cụ thể hay bằng chứng nào cho tuyên bố nói trên. Họ cũng đề nghị mọi cơ quan khác của Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo di dời văn phòng khỏi Moscow.
Cho đến hiện tại, WHO chưa hồi đáp yêu cầu của Ukraine.
Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) đã triệu tập phiên họp khẩn của 193 nước thành viên thuộc Đại hội đồng LHQ về khủng hoảng Ukraine. Theo Reuters, đây là động thái hiếm gặp, lần đầu tiên như vậy của hội đồng trong vòng 40 năm qua.
Theo CNN, động thái diễn ra sau khi HĐBA bỏ phiếu thông qua việc đưa vấn đề lên Đại hội đồng LHQ do hành động phủ quyết của một nước thành viên thường trực hội đồng là Nga. Đại diện Nga đã bỏ phiếu ngăn chặn một nghị quyết do Mỹ đề xuất, có nội dung lên án Moscow tiến đánh Ukraine.
Cuộc bỏ phiếu ngày 27/2 chỉ mang tính thủ tục và cũng có kết quả tương tự lần bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết tại HĐBA hôm 25/2. Trong đó, Nga đã bỏ phiếu chống, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) bỏ phiếu trắng và 11 nước còn lại bỏ phiếu ủng hộ.
“Đây không phải là một khoảnh khắc bình thường. Chúng ta cần phải có hành động đặc biệt để đối phó với mối đe dọa này đối với hệ thống quốc tế của chúng ta và làm mọi thứ có thể để trợ giúp Ukraine cũng như người dân nước này”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh.
Theo đại sứ Mỹ, Đại hội đồng LHQ dự kiến sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết vào ngày 1/3. Khác với HĐBA, không có quốc gia nào có quyền phủ quyết tại Đại hội đồng.
"Nga không thể phủ quyết các tiếng nói của chúng ta. Nga không thể phủ quyết tiếng nói của người dân Ukraine. Nga không thể và sẽ không phủ quyết được việc chịu trách nhiệm", bà Thomas-Greenfield nói.
Bình luận về cuộc bỏ phiếu của HĐBA trong 2 ngày cuối tuần, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cảnh báo, "bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá vỡ vị thế của Nga hay xem thường nước này đều làm suy yếu nền tảng của Hiến chương LHQ".
Theo Reuters, mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng không có tính bắt buộc, nhưng lại mang nặng tính chính trị. Mỹ và các đồng minh coi hành động tại LHQ là cơ hội để cho thấy Nga đang bị cô lập vì tấn công nước láng giềng.
Họ đang tìm cách cải thiện kết quả bỏ phiếu so với thời điểm 100 nước bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Đại hội đồng vào tháng 3/2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm. Nghị quyết đó đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý về địa vị của Crưm là vô giá trị.
Cuộc bỏ phiếu sắp tới về khủng hoảng Ukraine sẽ diễn ra vào cuối phiên họp khẩn đặc biệt của Đại hội đồng. Đây chỉ là phiên họp thứ 11 kiểu này của tổ chức lớn nhất hành tinh, được triệu tập kể từ năm 1950.