Ukraine mất mỏ lithium vào tay Nga, thỏa thuận khoáng sản với Mỹ có bị ảnh hưởng?
Quân đội Nga vừa giành quyền kiểm soát khu mỏ lithium gần làng Shevchenko, tỉnh Donetsk – một bước tiến đáng chú ý trong bối cảnh Moskva tăng cường chiến dịch tấn công mùa hè ở Ukraine. Việc mất mỏ chiến lược này đặt ra câu hỏi liệu thỏa thuận khoáng sản chiến lược giữa Mỹ và Ukraine sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Mỏ khai thác cát, sỏi, đất sét và cao lanh ở tỉnh Donetsk, Ukraine ngày 20/2. Ảnh: Global Images Ukraine
Tờ Kyiv Independent trích dẫn xác nhận của ông Roman Pohorilyi – nhà sáng lập dự án bản đồ mã nguồn mở Deep State Map cho biết, mặc dù quân đội Ukraine vẫn duy trì quyền kiểm soát một số khu vực lân cận, nhưng khu mỏ lithium Shevchenko đã nằm trong tay lực lượng Nga.
Trong diễn biến liên quan, phía quân đội Ukraine cho biết các cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra căng thẳng quanh làng Shevchenko. Ông Viktor Trehubov – người phát ngôn nhóm quân Khortytsia của Ukraine – cho biết Kiev đang kiểm soát khu vực ngoại ô phía tây, trong khi lực lượng Nga bao vây từ phía đông. Khu mỏ Shevchenko có diện tích khoảng 40 ha, cách làng Shevchenko chưa đầy 2 km về phía đông. “Các cuộc giao tranh đang diễn ra liên tục trên toàn bộ mặt trận Novopavlivka”, ông Trehubov nói.
Đáng chú ý, việc Nga chiếm được mỏ lithium diễn ra chỉ hai tháng sau khi Ukraine ký thỏa thuận quan trọng về khoáng sản chiến lược với Mỹ, nhằm thu hút đầu tư vào các nguồn tài nguyên chưa khai thác, trong đó có lithium.
Tuy nhiên, theo ông Serhii Fursa, Phó Giám đốc điều hành Dragon Capital, việc mất mỏ lithium Shevchenko nhiều khả năng không ảnh hưởng đáng kể đến thỏa thuận với Mỹ. “Rõ ràng khu mỏ này nằm trong vùng có nguy cơ bị chiếm đóng rất cao và không được coi là tài sản có giá trị cho các thỏa thuận đầu tư”, ông Fursa nhận định.
Trước đó, giới chuyên gia nhận định mất mỏ Shevchenko ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế đàm phán của Kiev với các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ – quốc gia coi tài nguyên Ukraine là yếu tố then chốt để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng việc Nga giành quyền kiểm soát khu vực giàu khoáng sản này có thể làm suy yếu tiềm lực kinh tế của Ukraine trong tương lai. Mỏ Shevchenko vốn được phát hiện từ thời Liên Xô vào năm 1982 nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để. Theo các báo cáo địa chất, trữ lượng tại đây nằm ở độ sâu 70 -130 mét, tương đối dễ khai thác.
Trước đó, trong giai đoạn đầu chiến sự, lực lượng Nga đã kiểm soát mỏ Balka Kruta tại vùng Zaporizhzhia, cách Berdiansk khoảng 30 km về phía Bắc. Ukraine hiện chỉ còn kiểm soát hai trong bốn mỏ lithium quan trọng gần thành phố Kropyvnytsky thuộc miền trung nước này.
Lithium là nguyên liệu quan trọng dùng trong pin xe điện và là một trong những khoáng sản chiến lược được Mỹ nhấn mạnh trong thỏa thuận ký kết ngày 30/4. Ban đầu, Kiev đề xuất Mỹ đưa vào các đảm bảo an ninh, nhưng sau nhiều vòng đàm phán, điều khoản này không được đưa vào thỏa thuận cuối cùng.
Ukraine dự kiến mở cửa mỏ lithium lớn Dobra ở trung tâm nước này, với trữ lượng ước tính từ 80 đến 105 triệu tấn quặng, nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân. Đây sẽ là dự án đầu tiên được triển khai theo thỏa thuận hợp tác với Mỹ.
Theo thông tin từ công ty khai thác châu Âu European Lithium, mỏ Shevchenko nhỏ hơn, với trữ lượng khoảng 11 đến 14 triệu tấn quặng lithium. Quặng tại mỏ Shevchenko chứa đến 90% spodumene – một khoáng chất giàu lithium, giúp việc khai thác thuận lợi hơn.
European Lithium chưa từng tiến hành khai thác tại mỏ Shevchenko và năm 2023 đã từ bỏ quyền khai thác do vị trí gần mặt trận chiến sự.
Trước đó, Nga đã tuyên bố giành được Shevchenko khi giao tranh leo thang từ ngày 26/6 trong chiến dịch tấn công mùa hè. Ngày 27/6, tờ New York Times cũng đưa tin mỏ lithium này đã lọt vào tay Nga, trong khi phía Khortytsia khẳng định Nga chưa hoàn toàn kiểm soát toàn bộ làng.
Theo Trung tâm Kinh tế Kiev, Ukraine là một trong số ít quốc gia châu Âu sở hữu trữ lượng lithium lớn, chiếm khoảng 1/3 tổng trữ lượng lithium của Liên minh châu Âu và khoảng 3% trữ lượng lithium toàn cầu.
Nhu cầu lithium trên toàn cầu đang tăng mạnh, trong đó Australia và Trung Quốc là hai quốc gia dẫn đầu về sản xuất loại khoáng sản này.