Ukraine phủ bóng chuỗi thượng đỉnh châu Âu
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố thỏa thuận mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, giúp châu lục này bớt phụ thuộc vào các sản phẩm của Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Âu vào ngày 23-3 để bắt đầu chuyến công du 4 ngày, với mục tiêu gia tăng sức ép lên Nga, viện trợ Ukraine và củng cố an ninh năng lượng cho "lục địa già".
Tổng thống Joe Biden tham dự chuỗi thượng đỉnh cùng diễn ra vào ngày 24-3 tại thủ đô Brussels - Bỉ, gồm: Thượng đỉnh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), Thượng đỉnh EU (Liên minh châu Âu) và Thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới).
Tại Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ cùng các nhà lãnh đạo "đề ra kế hoạch dài hạn" xoay quanh những lực lượng và khả năng cần thiết để bảo vệ các nước thành viên Đông Âu. Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskyy có bài phát biểu trực tuyến tại sự kiện này. Trong đó, ông kêu gọi NATO viện trợ "hiệu quả và không hạn chế" cho Ukraine, nhất là những vũ khí mà quốc gia này cần để chống trả cuộc tấn công trong cuộc xung đột hiện tại với Nga.
Tại Thượng đỉnh G7, Tổng thống Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo công bố lệnh trừng phạt bổ sung, bên cạnh sáng kiến mới nhằm siết chặt thực thi các biện pháp trừng phạt đã được áp trước đó để bảo đảm Moscow "không thể làm suy yếu hoặc lách lệnh trừng phạt".
Trong khi đó, chương trình nghị sự của Thượng đỉnh EU bao gồm khủng hoảng nhân đạo và nỗi lo của Mỹ xoay quanh kịch bản Trung Quốc hỗ trợ Nga. Trước cuộc họp, theo Reuters, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đã vạch ra "lằn ranh đỏ" với Trung Quốc, cảnh báo quốc gia này chớ nên "tận dụng cơ hội kinh doanh từ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, cũng như giúp Moscow tránh né các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hoặc xử lý các giao dịch tài chính bị cấm".
Ông Sullivan đồng thời cho biết trước khi rời Brussels để đến Ba Lan vào ngày 25-3, Tổng thống Joe Biden có thể công bố thỏa thuận mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, giúp châu lục này bớt phụ thuộc vào các sản phẩm của Nga. Tại thủ đô Warsaw, ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp gỡ giới chức Ba Lan để thảo luận những vấn đề liên quan đến khủng hoảng nhân đạo từ xung đột Nga - Ukraine.
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, Thụy Điển và Phần Lan điều động lượng lớn binh sĩ tham gia cuộc tập trận mang tên "Cold Response" do Na Uy tổ chức 2 năm/lần. "Năm nay, Cold Response có vai trò quan trọng hơn vì tình hình Ukraine" - trung tá Stefan Hedmark của quân đội Thụy Điển khẳng định. Các quốc gia Bắc Âu, dù có là thành viên NATO hay không, vốn đã quen với việc hợp tác chặt chẽ. Họ có nhiều giá trị, lợi ích, văn hóa giống nhau và cùng có Nga là nước láng giềng ở phía Đông.
Những cột mốc đáng chú ý sau 1 tháng xung đột
* Ngày 24-2: Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky ban bố lệnh tổng động viên.
* Ngày 26-2: EU loại một số ngân hàng Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới (SWIFT), ngăn cách những ngân hàng này với hệ thống tài chính toàn cầu.
* Ngày 27-2: EU cấm máy bay Nga vào không phận EU.
* Ngày 28-2: Nga và Ukraine khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa lúc giao tranh tiếp diễn.
* Ngày 1-3: Mỹ đóng không phận với máy bay Nga.
* Ngày 7-3: Giá dầu thô Brent có thời điểm chạm mức kỷ lục 139,13 USD/thùng. Người tị nạn rời khỏi Ukraine đạt mốc 1,7 triệu người.
* Ngày 16-3: Các nhà đàm phán Nga và Ukraine cho biết họ đang thảo luận về việc Ukraine chấp nhận trạng thái trung lập để đối lấy những bảo đảm an ninh và tuyên bố rút quân của Nga.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động nhân đạo
Ngày 23 và 24-3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) tiếp tục tổ chức Phiên họp khẩn lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine, tập trung vào vấn đề nhân đạo. Tham dự và phát biểu gồm Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ, thay mặt cho Chủ tịch ĐHĐ LHQ và đại diện hơn 60 nước, tổ chức khu vực.
Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam ở LHQ, một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ chia sẻ sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân đạo do xung đột tại Ukraine; đồng thời nhấn mạnh, ưu tiên cấp bách và hàng đầu hiện nay là cần tập trung vào việc dừng giao tranh, bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, triển khai các hoạt động nhân đạo và sơ tán công dân.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực nhân đạo của Tổng Thư ký LHQ, các cơ quan LHQ, các nước trong khu vực, các đối tác quốc tế; sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ đối với Ukraine trong điều kiện và khả năng cho phép.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh đối thoại, đàm phán giữa các bên liên quan cần được triển khai để tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và tính đến lợi ích, sự quan tâm của các bên liên quan.