Quân đội Ukraine nhiều khả năng sẽ nhận các tổ hợp S-200 từ Bulgaria, đây là loại tên lửa phòng không tầm bắn gấp đôi S-300 mà lực lượng vũ trang Kyiv đang sở hữu.
Bulgaria sẽ bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây là điều mà Quốc hội nước này đã quyết định sau thời gian 9 tháng giữ quan điểm trung lập. Động thái trên đã gây bất ngờ không nhỏ cho Moskva.
Mối quan hệ giữa Nga và Bulgaria - một thành viên của EU cũng như NATO từng rất sâu sắc khi hai nước có nhiều gắn kết về lịch sử, tôn giáo và văn hóa. Nhưng sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, mọi thứ đã dần thay đổi.
Sau khi Nga đột ngột ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria, khiến đồng minh vùng Balkan trước đây trở thành quốc gia đầu tiên cùng với Ba Lan hứng chịu đòn giáng trả bằng vũ khí năng lượng của Moskva, điều này dẫn tới thay đổi trong thái độ của Sofia.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác những gì chính phủ Bulgaria sẽ cung cấp cho Ukraine dưới dạng viện trợ quân sự. Quân đội Bulgaria nói chung được trang bị chủ yếu bằng các loại vũ khí theo hệ Liên Xô. điều này tạo thuận lợi đối với việc chuyển giao cho Ukraine.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-200 và S-300 sẽ là mối quan tâm lớn nhất của Ukraine. Rõ ràng là Kyiv cần các loại vũ khí như vậy để chống lại những cuộc tấn công đường không bằng tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga.
Theo thống kê chính thức, Bulgaria có 10 hệ thống phòng không mỗi loại, chúng có thể sẽ được cung cấp với số lượng khoảng 50%, hoặc thậm chí là chuyển giao toàn bộ nếu có nguồn thay thế.
Tầm bắn của đạn tên lửa 5V21 trang bị cho tổ hợp S-200 lên tới trên 200 km, tức là gấp hơn 2 lần con số 90 km của đạn 5V55R mà các hệ thống S-300PS của Quân đội Ukraine đang sử dụng hiện nay.
Mặc dù vậy, tên lửa 5V21 khá cồng kềnh, sức cơ động kém, chỉ phù hợp để đánh chặn máy bay ném bom hay máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm, nó gần như vô dụng khi chống lại tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo.
Không chỉ có vậy, Quân đội Bulgaria còn có trong thành phần tác chiến một số hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn khác như Osa-AKM hay Strela-10, đây nhiều khả năng là những loại mà Ukraine có nhu cầu lớn hơn so với S-200.
Bulgaria đã gặp khó khăn khi chia tay với những chiếc MiG của mình. MiG-21 là tiêm kích phòng không chính của quốc gia này. Không quân Bulgaria có tổng cộng 11 chiếc MiG-29, tức là họ thậm chí không có hai phi đội đầy đủ.
Mặc dù Bulgaria đã đặt mua 8 máy bay chiến đấu F-16 Block 70/72, nhưng hóa ra việc giao hàng của chúng sẽ bị trì hoãn khá nhiều. Thực tế trên cho thấy Ukraine khó lòng nhận được các tiêm kích thế hệ cũ.
Những chiếc MiG-29 của Bulgaria sẽ là một lựa chọn tốt cho Không quân Ukraine, nhưng khi đó Sofia sẽ phải giải quyết vấn đề bảo vệ bầu trời của mình một cách cực kỳ khó khăn.
Bulgaria rất có thể sẽ nhận được sự trợ giúp từ các nước thành viên NATO, nhưng từ các tuyên bố mới nhất, rõ ràng chính phủ nước này đang tìm kiếm phương án thuê máy bay chiến đấu từ đồng minh, có thể là F-16.
Ngoài máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không, Bulgaria còn có thể cung cấp cho Ukraine một số vũ khí khác, trong đó quan trọng nhất là những loại có số lượng rất lớn, tức là đạn lựu pháo hay đạn rocket cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt...
Nghị viện Bulgaria đã thông qua một quyết định, trong đó chính phủ được giao thời hạn trong vòng một tháng để trình bày những khoản viện trợ quân sự nào có thể được cung cấp cho Ukraine, nó cần phải phù hợp với khả năng của nước này.
Bulgaria đã hai lần từ chối cung cấp vũ khí dưới dạng viện trợ quân sự cho Ukraine. Trước đó họ chỉ đồng ý sửa chữa các khí tài bị hư hỏng. Nhưng diễn biến mới nhất cho thấy chính phủ nước này đã nghiêng về phương Tây.
Bạch Dương