Ukraine tấn công radar cảnh báo hạt nhân của Nga: Táo bạo hay sai lầm?

Đang dấy lên tranh cãi xung quanh việc Ukraine tấn công các hệ thống radar cảnh báo sớm của Nga về mối nguy tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Đang dấy lên nhiều tranh cãi về hiệu quả cũng như lo ngại căng thẳng leo thang xung quanh việc Ukraine cho máy bay không người lái (UAV) tấn công các hệ thống radar cảnh báo sớm của Nga trước những mối nguy tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Trước đó, trong ngày 26-5 và 23-5, Ukraine đã tấn công vào các trạm radar Voronezh M/DM của Nga lần lượt ở TP Orsk (tỉnh Orenburg) và TP Armavir (tỉnh Krasnodar), theo tờ Kyvi Independent.

Hiện chưa rõ thiệt hại trong cuộc tấn công vào trạm radar ở TP Orsk nhưng đây là một trong những cuộc tấn công sâu nhất vào lãnh thổ Nga khi UAV này đã bay khoảng 1.800 km. Còn cuộc tấn công trạm radar ở TP Armavir đã khiến cơ sở này bốc cháy và bị hư hại.

Ông Thord Are Iversen, nhà phân tích quốc phòng độc lập và cựu sĩ quan Hải quân Na Uy, cho biết các hệ thống radar cảnh báo sớm này được Nga phát triển như một phần trong chiến lược phòng thủ tên lửa và các radar có thể phát hiện mục tiêu ở cách 6.000 km và ở độ cao 8.000 km.

Theo ông, chức năng chính của chúng là phát hiện và theo dõi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và xác định xem Nga có bị tấn công hạt nhân hay không để triển khai sớm các biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, chúng còn có các vai trò phụ như như theo dõi không gian.

Mỹ lo căng thẳng leo thang

Tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết Mỹ quan ngại về việc UAV Ukraine tấn công radar cảnh báo hạt nhân của Ngavà đã nói cho Kiev biết về nỗi lo này.

 Việc Ukraine tấn công radar cảnh báo hạt nhân của Nga đã khiến Mỹ quan ngại sâu sắc. Ảnh: REUTERS

Việc Ukraine tấn công radar cảnh báo hạt nhân của Nga đã khiến Mỹ quan ngại sâu sắc. Ảnh: REUTERS

“Những địa điểm này không liên quan đến việc hỗ trợ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Tuy nhiên, chúng là những địa điểm nhạy cảm vì Nga có thể nhận thấy rằng khả năng răn đe chiến lược của họ đang bị nhắm tới, điều này có thể làm suy yếu khả năng duy trì khả năng răn đe hạt nhân của Nga đối với Mỹ” - quan chức Mỹ giấu tên nhận định.

Quan chức Mỹ này còn cho rằng các cuộc tấn công có thể gây tổn hại đến sự ổn định chiến lược giữa Washington và Moscow.

Giải thích rõ hơn, ông Dmitri Alperovitch, nhà phân tích an ninh và chủ tịch của tổ chức nghiên cứu Silverado, cho rằng sẽ xuất hiện “niềm tin sai lầm rằng những mục tiêu Ukraine nhắm tới là do Washington chỉ đạo”.

Điều này sẽ có khả năng gây ra sự leo thang nguy hiểm giữa Nga và phương Tây trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga và Moscow liên tục cảnh báo kịch bản này sẽ kéo Mỹ vào xung đột, gây ra hậu quả thảm khốc.

Ukraine muốn làm suy yếu năng lực Nga

Tuy nhiên, một quan chức Ukraine giấu tên thông thạo vấn đề này cho rằng Nga đã sử dụng các radar này để giám sát hoạt động của lực lượng Ukraine, đặc biệt là khi quân Ukraine sử dụng vũ khí trên không như UAV và tên lửa, theo tờ The Washington Post.

Theo quan chức Ukraine này, mục đích của các cuộc tấn công trạm radar là làm giảm khả năng của Nga trong việc theo dõi các hoạt động của lực lượng Ukraine ở miền nam Ukraine. Quan chức này còn xác nhận rằng Tổng cục Tình báo Quân sự Ukraine đứng sau các cuộc tấn công bằng UAV vào các trạm radar này.

 Các mảnh vỡ được nhìn thấy qua ảnh vệ tinh chụp trạm radar của Nga gần TP Armavir (tỉnh Krasnodar) sau khi bị Ukraine tấn công ngày 23-5. Ảnh: PLANET LABS

Các mảnh vỡ được nhìn thấy qua ảnh vệ tinh chụp trạm radar của Nga gần TP Armavir (tỉnh Krasnodar) sau khi bị Ukraine tấn công ngày 23-5. Ảnh: PLANET LABS

Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra bối rối trước các mục tiêu mà UAV Ukraine nhắm tới. Bởi việc tấn công trạm radar ở tỉnh Krasnodar là điều có thể hiểu được vì đủ gần Ukraine để theo dõi tên lửa và UAV ở chiến trường, nhưng tấn công trạm radar ở tỉnh Orenburg lại quá xa và tập trung vào khu vực Trung Đông và Trung Quốc thì là điều khó hiểu.

Khi được hỏi tại sao họ lại nhắm mục tiêu vào một địa điểm xa xôi như vậy, quan chức Ukraine này khẳng định rằng Nga đã chuyển toàn bộ khả năng của mình để phục vụ chiến dịch quân sự đặc biệt.

Giới quan sát nói gì?

Trong bài phỏng vấn được trang web của lực lượng này đăng tải tuần trước, Đại tá Markus Reisner của quân đội Áo cho rằng việc Ukraine tấn công radar cảnh báo hạt nhân của Nga có ý nghĩa quan trọng vì cơ sở này là một phần của hệ thống răn đe hạt nhân của Nga.

Theo ông Reisner, Nga hiện có tới 10 hệ thống radar cảnh báo sớm như vậy và trải rộng khắp nước Nga, như ở tỉnh Murmansk, Kaliningrad, Omsk, Krasnogorsk, gần TP St. Petersburg,...

Tuy nhiên, ông Reisner lập luận rằng việc tấn công trạm radar khó có thể mang lại giá trị quân sự trực tiếp cho Kiev.

Ông Reisner không cho rằng việc vô hiệu hóa các radar này có thể giúp Ukraine tránh được việc các radar này đưa ra các cảnh báo trước cho Nga khi Ukraine dùng hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ cung cấp, như nhiều người suy đoán. Theo ông, những trạm radar này được thiết kế để phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay ở độ cao cao hơn nhiều so với loại vũ khí chiến thuật này.

Còn ông Tord Are Iversen lưu ý rằng việc cố gắng tấn công một phần hệ thống cảnh báo hạt nhân của Nga không phải là một ý tưởng hay, đặc biệt trong thời điểm căng thẳng hiện nay. Lý do là nó có thể làm Moscow nghĩ rằng đây là một phần trong kế hoạch tấn công hạt nhân vào Nga.

Trong những tháng gần đây, Nga đã giành lại thế chủ động trên chiến trường. Nga đẩy mạnh tiến công ở tỉnh Donetsk và đưa quân đánh sang tỉnh Kharkiv, mở thêm mặt trận mới ở khu vực đông bắc Ukraine.

Khoảng 3 tuần trước, ngay sau khi Nga bắt đầu tấn công Kharkiv, Ukraine đã yêu cầu Mỹ nới lỏng các hạn chế về việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga. Một số quan chức Mỹ, châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ủng hộ đề xuất như vậy nhưng chính quyền Washington vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Tại cuộc họp báo hôm 29-5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ không khuyến khích Kiev tấn công ra bên ngoài lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là ông Blinken nói rằng Mỹ đã “thích nghi và điều chỉnh” với những điều kiện thay đổi trên chiến trường và khi Nga tiếp tục các chiến thuật mới càng leo thang, thì Mỹ “tự tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục làm điều đó”.

Khi được phóng viên hỏi liệu từ “thích ứng và điều chỉnh” của ông có nghĩa là Mỹ có thể ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí do Mỹ sản xuất bên trong lãnh thổ Nga hay không, ông Blinken nói rằng “thích ứng và điều chỉnh có nghĩa chính xác như vậy”. Điều này dường như gợi ý rằng đang có một sự thay đổi chiến lược từ Washington.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ukraine-tan-cong-radar-canh-bao-hat-nhan-cua-nga-tao-bao-hay-sai-lam-post793213.html