Ukraine thay đổi ra sao sau ba năm xung đột với Nga?

Sau ba năm kể từ khi xung đột với Nga bùng phát ngày 24/2/2022, Ukraine đã mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn. Bất chấp khó khăn, quân đội nước này vẫn không ngừng nỗ lực phản công nhờ viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy việc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine, làm dấy lên hy vọng chấm dứt giao tranh khi cuộc xung đột bước sang năm thứ tư.

Ngày 18/2, các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga đã họp tại Ả-rập Xê-út mà không có bất kỳ đại diện nào từ Kiev tham dự. Quyết định này đã gây ra phản ứng dữ dội ở châu Âu và Ukraine, khi Brussels lo ngại rằng họ đang bị Washington gạt ra ngoài lề.

Trong phát biểu mới nhất ngày 22/2, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump tin tưởng vào khả năng đạt được thỏa thuận với Nga, gợi ý rằng cuộc xung đột kéo dài ba năm có thể kết thúc sớm nhất là trong tuần này.

Ukraine mất 11% diện tích lãnh thổ

Khi giao tranh bùng phát vào tháng 2/2022, Ukraine đã ngăn cản thành công lực lượng Nga tiếp cận thủ đô Kiev, sau đó tiếp tục giành được thắng lợi ở một số vùng đông bắc Kharkiv và phía nam Kherson.

Trong khi đó, lực lượng Ukraine ở các khu vực phía đông xung quanh Donetsk và Bakhmut phải chịu tổn thất nặng nề.

Các binh sĩ Ukraine dàn hàng ở Kiev khi lực lượng Nga tiến về thủ đô Ukraine tháng 2/2022. (Ảnh: Reuters)

Các binh sĩ Ukraine dàn hàng ở Kiev khi lực lượng Nga tiến về thủ đô Ukraine tháng 2/2022. (Ảnh: Reuters)

Khói lửa bốc lên sau một cuộc không kích của Nga vào Kiev ngày 2/1/2024. Quân đội Nga nhiều lần khẳng định chỉ tấn công các mục tiêu quân sự, không nhắm vào các mục tiêu dân sự. (Ảnh: Reuters)

Khói lửa bốc lên sau một cuộc không kích của Nga vào Kiev ngày 2/1/2024. Quân đội Nga nhiều lần khẳng định chỉ tấn công các mục tiêu quân sự, không nhắm vào các mục tiêu dân sự. (Ảnh: Reuters)

Tính từ năm 2022 đến nay, Ukraine đã mất quyền kiểm soát khoảng 11% diện tích lãnh thổ, theo phân tích của CNN dựa trên dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một đơn vị giám sát xung đột có trụ sở tại Mỹ.

Nếu tính cả các khu vực mà lực lượng ly khai ở Donbass giành được kể từ khi cuộc xung đột nhen nhóm vào năm 2014, thì tổng diện tích lãnh thổ mà Ukraine đã mất là khoảng 18%.

Bản đồ Ukraine trước năm 2014, bao gồm cả những khu vực sau này sáp nhập Nga. (Nguồn: CNN)

Bản đồ Ukraine trước năm 2014, bao gồm cả những khu vực sau này sáp nhập Nga. (Nguồn: CNN)

Năm 2014, Nga đã sáp nhập Crimea từ Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Cuối năm 2022, Nga tiếp tục tổ chức trưng cầu dân ý và sáp nhập Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk, tỉnh Kherson và Zaporozhye.

Kết quả các cuộc bỏ phiếu sáp nhập không được Ukraine công nhận.

Mối đe dọa đối với nguồn viện trợ lớn nhất của Ukraine

Mỹ là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, cung cấp khoảng 95 tỷ đô la viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính. Tuy nhiên, khoản viện trợ này có thể bị cắt dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Mỹ chiếm 47% tổng viện trợ của phương Tây cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát. (Nguồn: CNN)

Mỹ chiếm 47% tổng viện trợ của phương Tây cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát. (Nguồn: CNN)

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã chỉ trích việc Mỹ gửi viện trợ cho Ukraine. Gần đây, ông đã đề xuất một thỏa thuận “có qua có lại”, nói rằng Mỹ nên được tiếp cận nguồn khoáng sản dồi dào ở Ukraine để bù đắp cho các khoản viện trợ, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn chưa đồng ý.

"Tôi đã nói với họ rằng tôi muốn số khoáng sản tương đương khoảng 500 tỷ đô la, và về cơ bản họ đã đồng ý. Tôi đã nói với họ rằng chúng ta phải có được thứ gì đó. Chúng ta không thể tiếp tục chi trả số tiền này", ông Trump nói với Fox News hồi đầu tháng.

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden ôm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi đến thăm Kiev tháng 2/2023. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden ôm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi đến thăm Kiev tháng 2/2023. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, giới chức Ukraine từng nhiều lần thừa nhận, một phần không nhỏ trữ lượng tài nguyên của nước này nằm ở các khu vực do Nga kiểm soát. Bà Yuliia Svyrydenko, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, hôm 23/2 cho biết giá trị mỏ khoáng sản tại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát vượt quá 350 tỷ đô la Mỹ.

Ukraine cũng đã bị ảnh hưởng bởi lệnh đình chỉ hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Việc đóng băng tài trợ đã khiến các tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện của Ukraine phải cắt giảm nhân sự và một số hoạt động, bao gồm các đường dây hỗ trợ tâm lý và dự án phát hiện HIV. Trong ba năm qua, Ukraine là nước nhận được nhiều tiền nhất từ USAID.

Chiếc máy bay lớn nhất thế giới An-225 Mriya bị quân đội Nga phá hủy tại sân bay Hostomel (Kiev) ngày 3/4/2022. (Ảnh: Reuters)

Chiếc máy bay lớn nhất thế giới An-225 Mriya bị quân đội Nga phá hủy tại sân bay Hostomel (Kiev) ngày 3/4/2022. (Ảnh: Reuters)

Cảnh tan hoang ở Mariupol tháng 4/2022. (Ảnh: Reuters)

Cảnh tan hoang ở Mariupol tháng 4/2022. (Ảnh: Reuters)

Hàng triệu người Ukraine đã phải di dời

Kể từ khi xung đột bùng phát, nhiều người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa, đến các vùng khác hoặc các quốc gia khác để lánh nạn.

Theo dữ liệu đến cuối năm 2024 từ cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, có hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine đang sống ở châu Âu, bao gồm khoảng 1,2 triệu người ở Đức, gần 1 triệu người ở Ba Lan và 390.000 người ở Cộng hòa Séc.

Ngoài ra, có 1,2 triệu người tị nạn Ukraine đang sống tại Nga.

Người dân rời khỏi Kharkiv (Ukraine) khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24/2/2022. (Ảnh: Reuters)

Người dân rời khỏi Kharkiv (Ukraine) khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24/2/2022. (Ảnh: Reuters)

Cô gái trẻ tên Olga ôm chặt bạn trai Vlodomyr tại ga Lviv trước khi anh được triển khai ra tiền tuyến. (Ảnh: Reuters)

Cô gái trẻ tên Olga ôm chặt bạn trai Vlodomyr tại ga Lviv trước khi anh được triển khai ra tiền tuyến. (Ảnh: Reuters)

Thiệt hại trên chiến trường

Nga và Ukraine hiếm khi thừa nhận hoặc tiết lộ con số chi tiết về những mất mát của mình, mà chỉ công bố thông tin về thiệt hại của đối phương.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, trong ba năm xung đột, Ukraine đã mất 656 máy bay chiến đấu, 283 trực thăng, 44.263 máy bay không người lái, 596 hệ thống tên lửa đất-đối-không, 21.713 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.521 bệ phóng tên lửa đa nòng, 21.980 pháo dã chiến và súng cối cùng 32.059 xe cơ giới quân sự đặc biệt.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đã phá hủy 10.168 xe tăng Nga, 21.151 xe chiến đấu bọc thép, 23.582 hệ thống pháo binh, 1.296 bệ phóng tên lửa đa nòng, 1.081 hệ thống phòng không, 370 máy bay, 331 trực thăng, 26.428 máy bay không người lái, 28 tàu thuyền, 1 tàu ngầm…

Một đám cháy lớn sau khi Kharkiv bị tấn công. (Ảnh: Reuters)

Một đám cháy lớn sau khi Kharkiv bị tấn công. (Ảnh: Reuters)

Một cụ bà đứng trước tòa nhà bị phá hủy ở Kiev. (Ảnh: Reuters)

Một cụ bà đứng trước tòa nhà bị phá hủy ở Kiev. (Ảnh: Reuters)

Các quân nhân Ukraine đầu hàng tại nhà máy thép Azovstal (Mariupol) ngày 20/5/2022 sau nhiều tuần cố thủ. (Ảnh: Reuters)

Các quân nhân Ukraine đầu hàng tại nhà máy thép Azovstal (Mariupol) ngày 20/5/2022 sau nhiều tuần cố thủ. (Ảnh: Reuters)

Lực lượng Ukraine lái xe quân sự tại tỉnh Sumy (Ukraine) sau khi phát động cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga (giáp tỉnh Sumy) tháng 8/2024. (Ảnh: Reuters)

Lực lượng Ukraine lái xe quân sự tại tỉnh Sumy (Ukraine) sau khi phát động cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga (giáp tỉnh Sumy) tháng 8/2024. (Ảnh: Reuters)

Địa điểm tưởng niệm những binh sĩ Ukraine đã hy sinh tại thủ đô Kiev. (Ảnh: Reuters)

Địa điểm tưởng niệm những binh sĩ Ukraine đã hy sinh tại thủ đô Kiev. (Ảnh: Reuters)

Một quân nhân Ukraine ngồi cạnh pháo phòng không ZU-23-2 trong ca gác đêm, đề phòng máy bay không người lái của Nga tại khu vực Kherson tháng 6/2024. (Ảnh: Reuters)

Một quân nhân Ukraine ngồi cạnh pháo phòng không ZU-23-2 trong ca gác đêm, đề phòng máy bay không người lái của Nga tại khu vực Kherson tháng 6/2024. (Ảnh: Reuters)

Một quân nhân Ukraine chơi đàn piano trong căn nhà bị phá hủy ở thị trấn tiền tuyến Chasiv Yar (Donetsk) tháng 6/2024. (Ảnh: Quân đội Ukraine)

Một quân nhân Ukraine chơi đàn piano trong căn nhà bị phá hủy ở thị trấn tiền tuyến Chasiv Yar (Donetsk) tháng 6/2024. (Ảnh: Quân đội Ukraine)

Minh Hạnh

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ukraine-thay-doi-ra-sao-sau-ba-nam-xung-dot-voi-nga-post1719601.tpo