Ukraine thúc đẩy mua lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất

Ngày 16/1 theo giờ địa phương, ủy ban năng lượng của Quốc hội Ukraine đã thông qua một luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

Nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi của Ukraine. Ảnh: Getty images

Nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi của Ukraine. Ảnh: Getty images

Quốc hội Ukraine đã 'bật đèn xanh' cho kế hoạch mua hai lò phản ứng hạt nhân cũ của Nga từ Bulgaria, một động thái đang gây nhiều tranh cãi trong bối cảnh xung đột với Nga đang diễn ra.

Ngày 16/1 theo giờ địa phương, ủy ban năng lượng của quốc hội Ukraine đã thông qua một luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

Tuy nhiên, một sửa đổi bổ sung phút chót đã cho phép chính phủ và công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Energoatom đàm phán, ký kết và mua hai lò phản ứng hạt nhân cũ của Nga để mở rộng nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi.

Nhà máy Khmelnytskyi, nằm ở phía tây Nam Ukraine, được lên kế hoạch từ những năm 1970. Tuy nhiên, sau thảm họa Chernobyl, dự án này chỉ hoạt động được một phần công suất.

Hai lò phản ứng dự kiến mua từng được Bulgaria sở hữu để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Belene nhưng dự án đó chưa bao giờ hoàn thành. Chi phí dự kiến cho thương vụ này lên tới ít nhất 600 triệu euro.

Kế hoạch sử dụng thiết bị của Nga đang vấp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt khi Ukraine và Nga vẫn đang trong tình trạng xung đột. Một số ý kiến lo ngại rằng các nhà máy điện hạt nhân không an toàn trong vùng chiến sự, và dự án không mang lại nguồn cung năng lượng ngắn hạn.

Inna Sovsun, một nghị sĩ thuộc đảng Holos, nhấn mạnh: “Hệ thống năng lượng của Ukraine, liên tục bị Nga tấn công, cần sự phân quyền”.

Ngoài ra, dự án này có thể khiến hóa đơn năng lượng tăng cao. Mặc dù công ty Energoatom khẳng định rằng khoản đầu tư sẽ sử dụng quỹ nội bộ, nhưng nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak cũng thuộc Holos cảnh báo rằng chi phí có thể sẽ được chuyển sang người tiêu dùng thông qua việc tăng giá điện. Ông cũng lo ngại về nguy cơ tham nhũng trong dự án.

Volodymyr Omelchenko, chuyên gia từ Viện Razumkov, nhận định rằng các lò phản ứng này là "thiết bị ít tiền của Nga", đồng thời chỉ ra rằng Bulgaria đã gặp khó khăn trong việc bán chúng với lý do chính đáng.

Đứng sau dự án gây tranh cãi này là Bộ trưởng Năng lượng German Galushchenko, người đảm nhận vị trí từ tháng 4/2021. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh tính cấp bách của kế hoạch.

Tuy nhiên, Galushchenko cũng đối mặt với nhiều chỉ trích. Ông từng tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã xác nhận hỗ trợ tài chính cho dự án, nhưng tuyên bố này vấp phải tranh cãi dữ dội tại Quốc hội Ukraine.

Ông Sovsun, nghị sĩ đối lập, còn cáo buộc ông Galushchenko từ chối ra điều trần trước Quốc hội vào tháng 9/2024 liên quan đến một vụ tham nhũng trong bộ của ông.

Ông Sovsun đã đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Galushchenko, nhưng không nhận được sự ủng hộ từ phe đa số trong quốc hội.

Luật mới, bao gồm sửa đổi cho phép mua lò phản ứng, vẫn cần được toàn thể quốc hội thông qua trước khi thương vụ được thực hiện. Hiện tại, luật này chỉ cho phép mua thiết bị, chưa bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy.

Dự án không chỉ đối mặt với các vấn đề kỹ thuật và tài chính mà còn phải vượt qua những rào cản chính trị trong bối cảnh Ukraine đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo euractiv)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ukraine-thuc-day-mua-lo-phan-ung-hat-nhan-do-nga-san-xuat-20250117141013957.htm