Ukraine tìm phương hướng tự vũ trang, giải quyết 'vấn đề sống còn'
Trong tuần vừa rồi, các lãnh đạo Ukraine đã gặp mặt hàng trăm quan chức của ngành công nghiệp quốc phòng và nhà hoạch định chính sách của các nước đồng minh.
Mặc cho bóng tên lửa Nga bao trùm thủ đô Ukraine, Diễn đàn Quốc phòng Công nghiệp Quốc tế vẫn được tổ chức, gợi lại hình ảnh những hội nghị được tổ chức nhiều lần mỗi năm tại Washington và London. Nhưng, hội nghị này có tầm quan trọng lớn hơn cả: Ukraine đang chứng kiến các nước hậu thuẫn cạn kiệt nguồn ngân sách viện trợ vũ khí và những nước khác ngày càng ái ngại về việc đầu tư nhiều hơn vào hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến này.
Với nước đi nhắm thẳng vào các công ty sản xuất vũ khí trên toàn thế giới, Ukraine đang cố tự làm chủ tình hình.
Pavel Verkhniatskyi, thành viên của COSA Intelligence Solutions tại Kyiv cho biết: “Đây là vấn đề sống còn”. Kỳ vọng của Ukraine về việc phụ thuộc vào viện trợ từ các nước đối tác là có hạn, khi quyết định của các nước này có thể bị lật ngược chỉ sau một kỳ bầu cử.
Khi bắt đầu hội nghị, ông Volodymyr Zelensky đã phát biểu về việc các thỏa thuận đồng sản xuất “đã bắt đầu được đưa vào thương lượng với các nước đối tác” và ông đã đặt ra một khoản đầu tư trong ngân sách quốc gia nhằm hỗ trợ những nỗ lực hợp tác này. Cựu CEO của Google ông Eric Schmidt cũng đã phát biểu tại sự kiện này cùng với Tổng Thư ký của NATO Jens Stoltenberg.
Ukraine lâu nay vốn đã là một gã khổng lồ về công nghiệp, với khả năng sản xuất máy móc hạng nặng, động cơ cho tàu chiến và máy bay quân sự của Nga, cùng với các xe bọc thép, máy bay và vũ khí cá nhân. Nhiều cơ sở sản xuất đã bị hư hại trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine vẫn tìm tới các công ty quốc phòng của phương Tây để đạt được những thỏa thuận về đầu tư và xây dựng dây chuyền tại Ukraine trước khi cuộc xung đột kết thúc.
Hai nhà thầu quốc phòng của châu Âu đã khẳng định sẽ tham gia. Rheinmetall, một công ty sản xuất vũ khí của Đức cho biết, họ sẽ hợp tác với công ty sản xuất vũ khí quốc gia Ukraine, Ukroboronprom, giúp họ sản xuất xe tăng và xe bọc thép. BAE của Anh cũng đã tuyên bố sẽ mở văn phòng tại Kyiv và đang tìm phương hướng đặt ra dây chuyền sản xuất pháo cỡ 105mm tại Ukraine.
Pháp cũng là một quốc gia đang có phản hồi tích cực về ý tưởng hợp tác sản xuất. Khoảng 20 lãnh đạo doanh nghiệp Pháp đã ghé thăm Kyiv cùng lãnh đạo lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu để tham gia cuộc họp với các đại diện từ hơn 250 công ty ở Mỹ, châu Âu và châu Á.
Czech cũng đã có mặt tại sự kiện với phái đoàn lớn, thể hiện quan điểm đầu tư triệt để giúp Kyiv đẩy lùi Nga. Công ty quốc phòng lớn nhất của Cộng hòa Czech trong nhiều tháng qua đã tạo việc làm cho người Ukraine tại các nhà xưởng của họ, sản xuất hàng loạt các kính nhìn đêm, đạn dược và các loại vũ khí trong thỏa thuận hợp tác sản xuất với các công ty của Ukraine. Một quan chức của Czech tham gia sự kiện này đã cho biết, họ muốn di chuyển dây chuyền sản xuất này tới Ukraine càng sớm càng tốt.
Daniel Vajdich, giám đốc Yorktown Solutions, cho biết những quyết định này là một phần trong những nỗ lực ngày càng lớn của các quan chức Ukraine, để “đưa Ukraine trở thành Israel của châu Âu - tự túc nhưng có sự hỗ trợ từ các nước khác”. Những nỗ lực này sẽ phụ thuộc vào các thỏa thuận hợp tác sản xuất “giúp củng cố khả năng sản xuất của khu vực trong giai đoạn đầu và sau đó là khả năng sản xuất của Ukraine nếu có thể”.
Lãnh đạo của Kyiv mong muốn đẩy nhanh các bước đó càng sớm càng tốt, một sự khẩn cấp càng được củng cố bởi những bình luận của các quan chức phương Tây trong những tuần vừa qua về việc, viện trợ quân sự đang cạn kiệt và các nước đồng minh đã không kịp gia tăng sản xuất để bắt kịp nhu cầu tiêu thụ.
Một quan chức châu Âu đã đưa ra phát biểu ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho biết: “Chúng tôi không thể cứ viện trợ bằng kho vũ khí dự trữ của mình mãi được”.
Quan chức này cho biết, cuộc chiến tại Ukraine vẫn nhận được sự ủng hộ của công chúng và của cộng đồng chính trị, nhưng họ “đã viện trợ hết mức trong giới hạn để không ảnh hưởng tới nền an ninh quốc gia”.
Sau 18 tháng chiến sự căng thẳng, nguồn dự trữ vũ khí của châu Âu đang dần cạn kiệt, tuy nhiên một quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Biden cho biết, có nhiều hy vọng đang nổi lên về khả năng các nước có thể bắt tay tìm hướng giải quyết.
“Việc nguồn dự trữ cạn kiệt là không tránh khỏi, nhất là với quy mô các gói viện trợ cho Ukraine. Điều khiến chúng tôi lo ngại là về khả năng các đối tác không có phương án giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, toàn thế giới đang sẵn sàng hợp tác và củng cố các cơ sở sản xuất công nghiệp”.
Sự hứng khởi này cũng đối mặt với thực tế rằng các công ty - và cả các quốc gia - sẽ mất rất nhiều thời gian để đổ tiền vào các dây chuyền có sẵn cũng như xây dựng những dây chuyền mới.
Thái độ của Nga và tốc độ hiện đại hóa quân đội tới chóng mặt của Trung Quốc đều đã khiến các quốc gia hậu thuẫn Ukraine lớn nhất phải nhìn vào những trang thiết bị của Ukraine và băn khoăn về việc Ukraine cần những gì. Mặc dù các chính phủ sẵn sàng hỗ trợ Ukraine nhằm bào mòn cỗ máy chiến tranh của Nga, họ cũng lo ngại về phần còn lại cho mình, trong trường hợp chủ quyền của chính họ bị thách thức.
Đại tướng Stéphane Mille, Tham mưu trưởng Không quân và Lực lượng Không gian Pháp tại Washington đã cho biết: “Sau hai năm, chúng ta cần phải có một cuộc thảo luận mới vì chúng ta không thể cứ liên tục viện trợ và chứng kiến trang thiết bị của chúng ta bị phá hủy tại Ukraine được. Hiện tại đang có một số lựa chọn đàm phán giữa Ukraine và các công ty khác, và sau đó là phương diện tài chính, mà Pháp có thể giúp đỡ chi trả” để giúp đặt ra các dây chuyền sản xuất.
Càng thêm dầu vào lửa là việc Ba Lan gần đây tuyên bố sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine nhằm đảm bảo củng cố khả năng quốc phòng của chính họ trước.
Một tin dữ cho Kyiv lại vừa được đưa ra trong cuối tuần vừa rồi sau khi Quốc hội Mỹ đề ra một thỏa thuận cho ngân sách tạm thời của chính phủ Mỹ, nhưng cắt giảm hàng tỷ USD khỏi viện trợ cho Ukraine.
Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine, một sáng kiến đằng sau các gói viện trợ đưa hệ thống vũ khí của Mỹ tới Ukraine, đã gần như cạn kiệt ngân sách. Bộ Quốc phòng vẫn còn lượng vũ khí dự trữ có thể gửi tới Ukraine với trị giá 5,4 tỷ USD, nhưng cũng đang thiếu ngân sách để tái bổ sung nguồn dự trữ cho chính Mỹ.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời về quy mô sản xuất vũ khí mà Ukraine có thể đạt được trong khi tên lửa của Nga và máy bay của Iran tiếp tục tàn phá cơ sở hạ tầng quan trọng, cuộc xung đột vẫn không có tín hiệu chậm lại ngay cả khi các nước đối tác đang bắt đầu lo ngại về lượng vũ khí họ còn có thể viện trợ.
Kyiv giữ vững quan điểm rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài tìm các công ty giúp họ tự sản xuất vũ khí.
Verkhniatskyi từ COSA Intelligence Solutions cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của Ukraine là trở nên tự túc vì ngay cả nếu như cuộc xung đột kết thúc trong ngày hôm nay, Ukraine vẫn cần phải trở thành lá chắn cho châu Âu trong tương lai”.
Nguyễn Quang Minh (theo Politico)