Ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp chế biến 'lo ngại' vấn đề nguyên liệu
Có một nghịch lý tồn tại đó là khi hoa quả nông sản tươi ùn ứ, thậm chí đổ bỏ thì nhà máy chế biến lại không đủ sản lượng nguyên liệu, bên cạnh đó là thách thức về thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods cho biết, doanh nghiệp này mỗi ngày tiêu thụ 500-600 tấn thanh long, xoài tại các nhà máy chế biến ở khắp 3 miền đất nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Nafoods cũng nêu vấn đề sản lượng nguyên liệu: “Thực tế là có những nhà máy chỉ hoạt động được 30%. Nafoods đầu tư liên tục, mở rộng. Hiện chúng tôi chuẩn bị đầu tư 1.000 tỷ để mở rộng đầu tư nhà máy giai đoạn 2 ở Long An. Ở Tây Nguyên do Covid-19 nên chưa khởi công, nhưng trong đầu năm nay chúng tôi sẽ khởi công ở Pleiku một nhà máy đóng gói, chế biến trái cây, đặc biệt là chanh leo. Tại Tây Ninh, Nafoods đang chủ trì cùng tỉnh này quy hoạch khu công nghệ cao 1.800ha”.
Bên cạnh vấn đề sản lượng nguyên liệu cho nhà máy chế biến, Chủ tịch Nafoods cũng cho biết câu chuyện về thuốc bảo vệ thực vật vẫn là thách thức.
Do đó, Chủ tịch Nafoods nhấn mạnh, cần đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh về vùng trồng.“Tất cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi. Cần truyền thông để thay đổi tư duy của người nông dân về số hóa, sản xuất an toàn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm và lo lắng về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nguyên liệu nông sản, ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) nhấn mạnh, hiện nay chúng ta vẫn đang tập trung giải quyết phần “ngọn” của vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu nông sản trong khi phần “gốc” là cần giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Để làm được điều đó, chúng ta cần đào tạo, tuyên tuyền, thay đổi nhận thức cho người nông dân. Khi người nông dân sản xuất được những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của các thị trường thì các doanh nghiệp mới có thể tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi”, đại diện Antesco đưa ra ý kiến.
Ông Luận cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa đi theo xu hướng của thế giới là GlobalGAP mà lại tập trung theo tiêu chí của VietGAP, trong khi các bạn hàng không quá quan tâm đến tiêu chí này. Phó Tổng giám đốc Antesco nhận định điều đó là một sự lãng phí cần được tính toán lại.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc xây dựng nhà máy chế biến, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho doanh nghiệp vay ưu đãi bằng vốn từ ngân sách.
Về logicstic, đại diện Nafoods cho biết đang phối hợp với một đối tác Nhật Bản, cung cấp thiết bị gắn vào container lạnh để tăng thời gian bảo quản lên 30-40 ngày.
“Chúng tôi cũng mạo muội đề xuất với lãnh đạo Bộ và các địa phương về kinh phí xúc tiến thương mại. Đề nghị Bộ có thêm ngân sách để xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam. Hiện chúng ta làm cũng đã có tiến triển, nhưng nhìn sang Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc thì vẫn hơi buồn. Ví dụ ở Dubai, chúng tôi muốn đăng ký 40m2 nhưng chỉ được 9m2 thì thật sự rất khó làm. Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, nhưng mong các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Văn hóa kinh doanh là vấn đề cuối cùng mà lãnh đạo cao nhất của Nafoods đề cập. Ông Hùng nêu mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý các hiệp hội, tránh việc tranh mua tranh bán.
“Doanh nghiệp phải nắm tay nhau như ở Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Tôi lấy ví dụ, Nafoods với Đồng Giao đang bán chanh leo cô đặc với giá 4.500đ, song có doanh nghiệp nhỏ vừa ra mắt đã rao giá 4.000đ. Sản lượng của họ ít, thậm chí là không có. Song khách hàng dựa vào đó ép giá chúng tôi. Mà khi bị mất đầu ra, chúng tôi buộc phải mua của nông dân với giá thấp hơn. Thiệt hại theo chuỗi như thế là điều rất đáng buồn”, Chủ tịch Nafoods nhấn mạnh.