Ùn tắc nông sản sang Trung Quốc: Vẫn chờ đàm phán xuất chính ngạch

Sau Tết Nguyên đán, lượng xe chở nông sản đổ về các cửa khẩu phía Bắc tiếp tục tăng đột biến, trong khi Trung Quốc vẫn siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Không ít cửa khẩu vừa mở đã phải đóng, khiến tình trạng ùn tắc có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Theo các chuyên gia, các bộ, ngành cần vào cuộc tìm giải pháp căn cơ.

Lượng xe nông sản đổ về các cửa khẩu tăng liên tục trong những ngày gần đây gây nguy cơ ùn tắc tái diễn

Lượng xe nông sản đổ về các cửa khẩu tăng liên tục trong những ngày gần đây gây nguy cơ ùn tắc tái diễn

Ông Cao Bá Quý, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, từ mồng 1 Tết Nguyên đán đến nay, lượng hàng hóa vận chuyển qua các cửa khẩu tại Lào Cai tăng mạnh. Chỉ riêng Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, đã có hàng chục nghìn tấn nông sản được xuất qua. Tuy nhiên, ngày 17/2, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai nhận được thông tin từ phía huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo tạm dừng hoạt động nhập khẩu hàng hóa.

“Chúng tôi đã thông báo các DN tạm thời dừng đưa xe lên cửa khẩu Kim Thành, đồng thời chuyển hướng sang các cửa khẩu khác để tránh tình trạng ùn tắc. Đến ngày 20/2, số xe chờ thông quan tại cửa khẩu Kim Thành có khoảng 100 xe”, ông Quý cho hay.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong trên cổng thông tin một cửa quốc gia, tính đến chiều 20/2, tại các cửa khẩu các tỉnh phía Bắc có 7.395 xe đang chờ thông quan hàng sang Trung Quốc, chủ yếu là xe chở thanh long, chuối tươi, dưa hấu; rau củ (như ớt, sắn, cây thạch đen...). Trong đó, tại Quảng Ninh có 1.888 xe, Lạng Sơn có 4.018 xe, Lào Cai 1.193 xe, Lai Châu 121 xe, Cao Bằng 140 xe... Lượng xe đổ về các cửa khẩu liên tục tăng trong những ngày gần đây, gây nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, đợt ùn tắc đầu năm mới này có thể không bằng dịp cuối năm 2021. Tuy nhiên, một số nông sản như mít, xoài, dưa hấu, thanh long có nguy cơ giảm giá khi xuất khẩu chậm lại.

“Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần có một cơ quan phân tích, dự báo thị trường, từ đó khuyến cáo người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, chứ không phải năm nào cũng chạy theo giải quyết ùn tắc. Khi có những sản phẩm chất lượng, chúng ta có thể đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua đường bộ như hiện tại”.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo ông Nguyên, trong thời gian tới, Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid” nên việc thông quan sẽ còn gặp khó. Trong khi quý 1 này, riêng sản lượng trái cây ở khu vực các tỉnh phía Nam đến vụ thu hoạch đạt gần 1,4 triệu tấn. Thị trường tiêu thụ chính các loại trái cây này vẫn là Trung Quốc. Đáng nói, hiện nhiều loại nông sản của Việt Nam sản xuất vẫn chưa đúng với quy trình, tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm… nên chưa thể xuất theo con đường chính ngạch, hoặc chuyển sang các thị trường khác.

“Việc đàm phán về kiểm dịch chậm nên hiện nay 100% sản phẩm trái cây đều phải kiểm dịch. Trong khi đó, với trái cây Thái Lan chỉ là 30%. Nếu không xử lý sớm, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm nay có thể giảm 30-40%”, ông Nguyên cảnh báo.

Sớm đàm phán nghị định thư về xuất chính ngạch

Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi toàn diện, sản xuất theo nhu cầu của thị trường

Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi toàn diện, sản xuất theo nhu cầu của thị trường

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, đến nay cả nước mới có 9 sản phẩm được công nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa ký Hiệp định thư về xuất khẩu nông sản với phía Trung Quốc dẫn tới rau quả phải chờ hải quan nước này kiểm tra, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thông quan. Trung Quốc hiện vẫn kiểm soát chặt dịch bệnh trên người và hàng hóa. Bất cứ xe nào có tài xế, hoặc mẫu vật trên xe bị phát hiện dương tính với COVID-19 sẽ bị dừng thông quan bất cứ lúc nào.

Lãnh đạo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, các địa phương liên tục cung cấp thông tin về tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đến DN. Đồng thời, bộ này cũng khuyến cáo DN cập nhật kịp thời tình hình thông quan để có kế hoạch xuất hàng hóa hợp lý.

Để tránh ùn tắc tái diễn tại cửa khẩu, theo ông Toản, các DN khi đưa hàng hóa lên cửa khẩu cần kiểm soát chặt từ khâu nhập nguyên liệu, thu hoạch, chế biến, tránh để ảnh hưởng đến tình hình chung. DN cũng cần chủ động trong các đơn hàng và nâng cao năng lực chế biến, coi chế biến nông sản là một trong những giải pháp đột phá, giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc hiện nay.

“Về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ đầu tư thêm nhiều trung tâm logistic, kho bảo quản để tăng thời gian lưu trữ cho nông sản. Bộ NN&PTNT đã trình Quốc hội dự án xây dựng trung tâm chế biến nông sản lớn cho vùng nguyên liệu trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Cần Thơ và xây dựng trung tâm bảo quản, kho lạnh tại các tỉnh biên giới phía Bắc đặt tại Quảng Ninh. Các dự án đã được Quốc hội phê duyệt và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới”, ông Toản cho hay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, trong năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ đàm phán với Trung Quốc ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam khi giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra tại các cửa khẩu; Bổ sung sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, khoai lang tím,…vào danh sách các hàng xuất khẩu chính ngạch khi đàm phán với phía Trung Quốc.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/un-tac-nong-san-sang-trung-quoc-van-cho-dam-phan-xuat-chinh-ngach-post1417665.tpo