UN Women: Hãy mạnh dạn nói 'không' với bạo lực giới

Nói 'không' với bạo lực giới là cách chúng ta cùng xây dựng một xã hội bình đẳng, tốt đẹp hơn, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.

"Hãy nói không với bạo lực giới" là thông điệp trong chương trình tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do UN Women tổ chức. (Ảnh: HT)

"Hãy nói không với bạo lực giới" là thông điệp trong chương trình tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do UN Women tổ chức. (Ảnh: HT)

Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là những chủ đề quan trọng được Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam chú trọng trong khuôn khổ chương trình tập huấn truyền thông năm 2024 (từ ngày 12-14/6 tại Quảng Ninh).

Tham dự chương trình tập huấn, có các chuyên gia của UN Women tại Việt Nam, đại diện đến từ các cơ quan chuyên môn với vai trò hướng dẫn nghiệp vụ truyền thông, các cán bộ trực tiếp làm công tác truyền thông tại các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; tại các tập đoàn, công ty, các tổ chức chính trị, xã hội...

Chương trình tập huấn đã giúp các đại biểu tham gia hiểu đúng về giới tính, bình đẳng giới; sử dụng AI trong truyền thông về bình đẳng giới; sử dụng công cụ Social listening đo lường ảnh hưởng tới nhận thức của truyền thông về bình đẳng giới.

Ngoài ra, các cán bộ tham gia tập huấn đã cùng nhau thảo luận về nguyên tắc của truyền thông về bình đẳng giới cũng như những khó khăn, thách thức và cơ hội của những người làm truyền thông về bình đẳng giới; xu hướng, thực trạng bạo lực giới, bạo lực trên không gian mạng trên thế giới và tại Việt Nam.

Bằng các hình thức tập huấn sáng tạo như các trò chơi, vòng tròn ảnh hưởng, bài tập nhóm, mô phỏng tình huống… UN Women tại Việt Nam đã giúp các cán bộ tham gia chương trình có cái nhìn thực tiễn, sâu sắc về những vấn đề nổi cộm trong công tác bình đẳng giới hiện nay.

Kể từ khi thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, xếp hạng thế giới của Việt Nam về bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trong số 146 quốc gia (theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2023).

Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp tục tăng cường khuôn khổ chính sách và pháp lý về bình đẳng giới. Đơn cử như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) 2022; Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019.

Việt Nam đã đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong chính trị tại cuộc bầu cử năm 2021, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26% - cao nhất kể từ năm 1976, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 25%. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới. Tỷ lệ này cao gần bằng với nam giới (72% đối với nữ, so với 82% đối với nam).

Việt Nam mới đây đã lần đầu tiên thông qua Chương trình Hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào tháng 1/2024 và đã vượt mục tiêu đề ra về tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong nỗ lực bình đẳng giới nhưng các đại biểu tham dự tập huấn đều có đánh giá chung rằng Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình này, mỗi cá nhân trong xã hội trước hết phải mạnh dạn nói "không" với bạo lực giới.

UN Women là một tổ chức chuyên môn của LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Là một tổ chức đi đầu toàn cầu vì phụ nữ và trẻ em gái, UN Women được thành lập để đẩy nhanh tiến độ đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ của mình trong công tác bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, UN Women đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện nhiều Dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Sau đây là một số hình ảnh về các hoạt động trong khuôn khổ chương trình tập huấn:

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/un-women-hay-manh-dan-noi-khong-voi-bao-luc-gioi-274836.html