UNCLOS 1982 - Cơ chế hiệu quả giải quyết hòa bình tranh chấp biển

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra đời Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) chia sẻ ý nghĩa của Công ước cũng như các vấn đề đặt ra liên quan tới thực thi Công ước hiện nay.

UNCLOS ra đời sau khi kết thúc Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ ba với 11 phiên họp, diễn ra từ năm 1973 đến năm 1982. (Nguồn: UN)

UNCLOS ra đời sau khi kết thúc Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ ba với 11 phiên họp, diễn ra từ năm 1973 đến năm 1982. (Nguồn: UN)

"Hiến pháp của đại dương"

UNCLOS ra đời sau khi kết thúc Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ ba với 11 phiên họp diễn ra từ năm 1973 đến năm 1982.

Vào ngày 10/12/1982, khi UNCLOS được đưa ra để ký kết, một điều chưa từng có là 119 quốc gia đã tham gia ký kết. UNCLOS có hiệu lực từ tháng 11/1994. Hiện 167 quốc gia đã tham gia công ước này, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc (LHQ). Ngoài ra, 14 thành viên khác của LHQ đã ký nhưng chưa phê chuẩn UNCLOS.

UNCLOS cung cấp một khuôn khổ pháp lý toàn diện về quản trị đại dương, bao gồm luật tục quốc tế cũng như các khái niệm pháp lý mới. UNCLOS được gọi là "Hiến pháp của đại dương". Công ước thay thế cho các yêu sách và thực tiễn pháp lý riêng rẽ của các quốc gia ven biển bằng cách quy định rõ ràng các giới hạn về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa.

UNCLOS là sự thỏa hiệp giữa các quốc gia ven biển và các cường quốc hàng hải. Nhiều quốc gia ven biển từng là các nước thuộc địa và đang phát triển. Tất cả các quốc gia ven biển được trao quyền tài phán chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên biển trong các vùng lãnh hải hình thành nên EEZ của các quốc gia này, cũng như đối với hydrocarbon (dầu và khí đốt), khoáng sản và các tài nguyên khác trên thềm lục địa của họ.

Trong khi đó, các cường quốc hàng hải được trao quyền tự do hàng hải trong lãnh hải và EEZ cũng như được quyền quá cảnh qua các eo biển và các tuyến đường biển qua quần đảo. Ví dụ, các tàu dân sự và quân sự được quyền qua lại “không gây hại” qua lãnh hải của các quốc gia ven biển.

Tuy nhiên, các hạn chế đã được đặt ra đối với việc qua lại không gây hại. Việc qua lại phải nhanh chóng, tàu ngầm phải nổi trên mặt nước và treo cờ quốc gia và tàu chiến không được thực hiện một số hoạt động có thể đe dọa quốc gia ven biển.

UNCLOS phản ánh sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế rằng các điều ước quốc tế phải bao gồm một cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc (hoặc bắt buộc) để có thể có hiệu lực thực thi. Công ước cũng cung cấp một khuôn khổ cho việc giải thích và áp dụng công ước để giải quyết các tranh chấp giữa các bên ký kết.

Tuy nhiên, UNCLOS không giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia về chủ quyền hoặc tranh chấp về phân định biển, mà để các quốc gia liên quan tự giải quyết những tranh chấp này. UNCLOS còn là một “thỏa thuận trọn gói”. Các quốc gia ký kết không được phép chọn cho mình các điều khoản mà họ chấp nhận hay không chấp nhận thực hiện.

Tóm lại, UNCLOS đã kết hợp các lợi ích cạnh tranh của đa số các quốc gia, kể cả các quốc gia không giáp biển, trong một khuôn khổ pháp lý toàn diện giải quyết hầu như tất cả các khía cạnh của việc quản lý, quản trị biển và tài nguyên biển.

Công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: QT)

Công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: QT)

Những vấn đề đặt ra

Giáo sư Carl Thayer đưa ra một số lưu ý về vai trò cũng như những vấn đề đang đặt ra với UNCLOS.

Thứ nhất, UNCLOS cung cấp một cơ chế hiệu quả để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển giữa các bên ký kết.

Ví dụ, liên quan đến các tuyên bố của Bangladesh phản đối Ấn Độ vào năm 2009 đối với vùng biển rộng 25.602 km2, vào tháng 7/2014, một Tòa Trọng tài đã ra phán quyết rằng Bangladesh được hưởng 19.467 km2 hay 76% diện tích vùng biển tranh chấp. Diện tích này bao gồm 10 lô dầu ngoài khơi.

Với phán quyết này, Bangladesh có thể thiết lập EEZ rộng 200 hải lý, thềm lục địa mở rộng và tiếp cận trực tiếp với đại dương. Ấn Độ đã chấp nhận phán quyết mà không có khiếu nại. Đây là một mô hình cho thấy các bên tham gia UNCLOS có thể giải quyết các tranh chấp giữa các bên.

Thứ hai, sau khi UNCLOS có hiệu lực, một số quốc gia ven biển đã áp dụng các cách hiểu khác nhau về tự do hàng hải trong các vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Một số quốc gia yêu cầu tàu thuyền nước ngoài quá cảnh vùng đặc quyền kinh tế của họ phải thông báo trước, trong khi các nước khác yêu cầu các tàu thuyền này phải xin phép trước. Ngoài ra, một số nước đã đặt ra những hạn chế đối với các cuộc khảo sát quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Các yêu cầu khác nhau này là một nguyên nhân gây căng thẳng. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu đối với các bên ký kết UNCLOS là đạt được các tiêu chuẩn thống nhất.

Thứ ba, là cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới, Mỹ đã tích cực tham gia vào Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ ba nói trên, nhưng chưa phê chuẩn UNCLOS, do công ước này có những điều khoản về khai thác biển sâu.

Cho đến nay, tất cả các thời tổng thống Mỹ, kể từ cựu Tổng thống Ronald Reagan (1981-1989), cũng như các chỉ huy hải quân Mỹ đều tuyên bố ủng hộ luật tục quốc tế và ủng hộ việc Mỹ tuân thủ UNCLOS.

Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) chính thức để thách thức những yêu sách chủ quyền rộng lớn và những biện pháp hạn chế đi lại mà những quốc gia ven biển đưa ra. Nhưng do chưa phê chuẩn UNCLOS, nên cường quốc này không được tham gia các thủ tục pháp lý liên quan. Ví dụ, yêu cầu của Mỹ được tham gia với tư cách quan sát viên trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã bị khước từ.

Thứ tư, vào tháng 5/2009, Trung Quốc đã chính thức đệ trình bản đồ gọi là "Đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ và tuyên bố “các quyền lịch sử” đối với một phần lớn Biển Đông. Kể từ đó, đây là nguyên nhân chính gây căng thẳng trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan), vốn được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện do Philippines khởi xướng. Khi tòa đưa ra phán quyết, Trung Quốc đã bác bỏ và từ chối tuân thủ.

Tòa tuyên bố cái gọi là "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, đồng thời phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử đã không còn phù hợp với UNCLOS do công ước đã loại bỏ những yêu sách loại này.

Trung Quốc tham gia đầy đủ Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ ba nói trên. Trung Quốc đã vận động hành lang mạnh mẽ để hội nghị này công nhận vấn đề “quyền lịch sử”, nhưng không thành công. Mặc dù vậy, quốc gia này đã ký và phê chuẩn UNCLOS.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2009 đến nay đã phá hoại nghiêm trọng UNCLOS với tư cách là "Hiến pháp của đại dương".

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/unclos-1982-co-che-hieu-qua-giai-quyet-hoa-binh-tranh-chap-bien-179305.html