UNCTAD: Kinh tế kỹ thuật số là động lực tăng trưởng, nhưng cũng tác động xấu đến môi trường

Bạn có biết để sản xuất một chiếc máy tính nặng 2kg cần tới 800kg nguyên liệu thô? Hay một chiếc điện thoại thông minh, từ khâu sản xuất đến khi thải bỏ, cũng cần đến khoảng 70kg nguyên liệu thô?

 Rác thải kỹ thuật số đang tăng nhanh hơn tốc độ thu gom, gây ra những tác động xấu đến sức khỏe và môi trường. Ảnh: National Geographic/TTXVN

Rác thải kỹ thuật số đang tăng nhanh hơn tốc độ thu gom, gây ra những tác động xấu đến sức khỏe và môi trường. Ảnh: National Geographic/TTXVN

Đây chỉ là một trong số những phát hiện đáng lo ngại trong một báo cáo mới về nền kinh tế kỹ thuật số Cơ quan thương mại Liên hợp quốc UNCTAD, trong đó khẳng định nền kinh tế kỹ thuật số là động lực tăng trưởng, nhưng các tác động tiêu cực đến môi trường của số hóa đang ngày càng tăng và cần phải được xem xét một cách nghiêm túc hơn.

Ngày nay, khoảng 5,4 tỷ người sử dụng Internet và nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu đang bùng nổ với nhiều lợi ích rõ ràng đối với nhiều người. Chỉ xét riêng về giá trị, doanh số thương mại điện tử của doanh nghiệp đã tăng gần 60% từ mức 17.000 tỷ USD năm 2016 lên 27.000 tỷ USD vào năm 2022, dữ liệu mới từ 43 quốc gia - chiếm khoảng 3/4 GDP toàn cầu cho thấy.

“Chúng ta nói rất nhiều về cách công nghệ kỹ thuật số có thể giảm việc sử dụng giấy và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời có thể giúp cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong các lĩnh vực giao thông và xây dựng, nông nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên, nhược điểm lại không được nhắc đến nhiều”, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho biết, đồng thời nêu rõ rằng sự phát triển của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và tiền điện tử… đã làm tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu.

Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số 2024 của UNCTAD cũng cho biết thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ, với lượng người mua sắm trực tuyến tăng từ dưới 100 triệu vào năm 2000 lên 2,3 tỷ vào năm 2021. Sự gia tăng này đã dẫn đến lượng rác thải liên quan đến kỹ thuật số như màn hình và các thiết bị CNTT nhỏ đã tăng 30% từ năm 2010 đến năm 2022, đạt 10,5 triệu tấn trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc quản lý rác thải điện tử vẫn chưa đầy đủ, và rác thải kỹ thuật số đang tăng nhanh hơn tốc độ thu gom. Theo Tổng thư ký UNCTAD, đây là mối lo ngại lớn do việc thải bỏ loại rác thải này không đúng cách sẽ dẫn đến ô nhiễm và các nguy cơ khác về sức khỏe và môi trường.

Đáng lưu ý, các nước phát triển tạo ra 3,25kg rác thải kỹ thuật số mỗi người, so với mức dưới 1kg/người ở các nước đang phát triển và chỉ 0,21kg ở các nước kém phát triển nhất. Đây là một chỉ số khác cho thấy sự phân bổ lợi ích không đồng đều từ số hóa.

Theo UNCTAD, việc giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải cải cách chính sách, đổi mới công nghệ và hành động từ tất cả các bên liên quan, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng… để làm cho các mô hình kinh doanh trở nên tuần hoàn hơn, tập trung vào tái chế, tái sử dụng và thu hồi vật liệu kỹ thuật số để cắt giảm lượng rác thải gây hại cho môi trường. Đồng thời, UNCTAD khuyến nghị cần tăng cường các quy định, thực thi các tiêu chuẩn và quy tắc môi trường chặt chẽ hơn để giảm bớt tác động sinh thái của công nghệ kỹ thuật số; thúc đẩy hậu cần tiết kiệm năng lượng hơn, đóng gói bền vững hơn và tiêu dùng có trách nhiệm hơn.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/unctad-kinh-te-ky-thuat-so-la-dong-luc-tang-truong-nhung-cung-tac-dong-xau-den-moi-truong-142897.html