UNDP: Việt Nam đạt được những kết quả tích cực về phát triển con người
Phát triển con người là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực này.
Ngày 13/3, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố Báo cáo Phát triển con người (HDR) 2023/24. Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi về những tiến bộ của Việt Nam trong phát triển con người và ý nghĩa của báo cáo đối với Việt Nam.
Thưa bà, Báo cáo HDR vừa được công bố đánh giá thế nào tiến bộ phát triển con người của Việt Nam? Những yếu tố nào góp phần vào tiến bộ phát triển con người của Việt Nam?
Bà Ramla Khalidi: Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm. Chỉ số này đã tăng gần 50%, từ 0,493 lên 0,726 trong khoảng thời gian từ năm 1990-2022.
Vào những năm 1990, khi UNDP bắt đầu xếp hạng HDI, Việt Nam ở vị trí cuối bảng. Tuy nhiên, trong 30 năm vừa qua, Việt Nam liên tục đạt được những tiến bộ và đã vươn lên xếp ở nửa trên trong bảng xếp hạng. Theo xếp hạng vào năm 2022, Việt Nam đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao. Không giống như nhiều nước đang phát triển khác, thứ hạng của Việt Nam tăng lên do nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt trong thời kỳ đại dịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao vào năm 2022 và điều này đã nâng thứ hạng trong phát triển con người. Các chỉ số khác liên quan đến trình độ học vấn và tuổi thọ cũng tiếp tục được cải thiện.
Phát triển con người là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực này, đặc biệt trong tỉ lệ nhập học ở bậc trung học và các chỉ số y tế.
Là một quốc gia có mức phát triển con người cao, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức gì trong việc tiếp tục thúc đẩy phát triển con người, thưa bà?
Bà Ramla Khalidi: Việt Nam xếp thứ 91/166 quốc gia về Chỉ số bất bình đẳng giới. Chỉ số xem xét sự bất bình đẳng trên 3 khía cạnh là sức khỏe sinh sản, trao quyền và thị trường lao động.
Tại Việt Nam, tỉ lệ nhập học của phụ nữ và trẻ em gái bình đẳng với nam giới và trẻ em trai; tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động rất cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại ở những khía cạnh khác của bình đẳng giới khi mà vẫn còn những bất cập trong phân công lao động; nam giới vẫn được ưu tiên khi tiếp cận với việc làm ổn định hơn và được trả lương cao hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn chiếm một tỉ lệ nhỏ trong vai trò lãnh đạo trong Chính phủ, các cơ quan hành chính công và khu vực tư nhân.
Báo cáo HDR mới công bố có tựa đề "Phá vỡ tình trạng bế tắc: Hình dung lại sự hợp tác trong một thế giới phân cực", xin bà vui lòng giải thích rõ hơn và ý nghĩa của chủ đề này đối với Việt Nam?
Bà Ramla Khalidi: Sự phân cực và thiếu lòng tin đang góp phần làm gia tăng tình trạng mất an ninh và bế tắc trong hợp tác quốc tế.
Chúng ta đang sống trong một thế giới với những phụ thuộc quốc tế phức tạp. Không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được những thách thức toàn cầu, như tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế, an ninh lương thực và an ninh con người. Do đó, chúng ta cần làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp thiết thực cho các vấn đề chung, thay vì cứ tập trung vào những khác biệt.
Báo cáo HDR nhấn mạnh đến việc tái định hình hợp tác trong một thế giới phân cực, cũng như tầm quan trọng của các cơ chế đa phương đối với Việt Nam.
Thông qua việc tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương và thúc đẩy đối thoại toàn diện, Việt Nam có thể đóng vai trò tích cực trong nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững cho người dân trong nước, cũng như cộng đồng quốc tế.
Việt Nam có cách tiếp cận chủ động và mang tính xây dựng trong việc tham gia các cơ chế đa phương, thể hiện thông qua việc tham gia tích cực và vai trò lãnh đạo trong nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các khuôn khổ đa phương rộng lớn hơn, góp phần vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và các nỗ lực phát triển bền vững.
Việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, cho thấy vai trò và cam kết ngày càng gia tăng của Việt Nam đối với quản trị toàn cầu.
Khi chúng ta tiến sâu hơn vào kỷ nhân sinh và cuộc chạy đua cách mạng kỹ thuật số, việc giải quyết những thách thức chung trong một thế giới phân cực đòi hỏi tăng cường hợp tác. Vai trò của chủ nghĩa đa phương, sự đoàn kết toàn cầu và đồng tâm hiệp lực càng trở nên quan trọng hơn.