UNESCO đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào di sản cần bảo vệ khẩn cấp
(GLO)- Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 28-11 đến 3-12 tại thủ đô Rabat (Maroc), UNESCO đã ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân-Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO-cho biết: "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, và cũng là danh hiệu thứ 4 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay, cùng với các hồ sơ vừa được ghi vào Danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) và Bia ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Thành phố học tập Cao Lãnh.
Sự ghi nhận này của UNESCO, đồng bào dân tộc và cộng đồng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm gốm truyền thống của người Chăm trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam; đồng thời thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.
Gốm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận), tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay.
Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Làng Bàu Trúc tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok (người Việt phát âm thành Ma Tró). Ngày xưa, làng còn có tên gọi khác là Danao Panrang, danh xưng theo đơn vị hành chính là thôn Vĩnh Thuận, ngày nay, gọi là khu phố Bàu Trúc.
Cả Ninh Thuận có đến hàng chục làng Chăm nhưng chỉ có đất từ cánh đồng bên bờ sông Quao của làng Bàu Trúc mới có thể làm được gốm. Đây là loại đất sét nổi tiếng dẻo, mềm. Không giống như gốm Bát Tràng ở Hà Nội hay gốm Chu Đậu ở Hải Dương, gốm Bàu Trúc có những nét độc đáo rất riêng. Đầu tiên phải nhắc tới nguyên liệu làm gốm hoàn toàn bằng đất sét mịn tự nhiên chỉ có ở triền con sông Quao chảy quanh làng. Đất sét được trộn với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ bí truyền của làng nghề.
Tiếp đó, để làm ra sản phẩm gốm, những người phụ nữ ở Bàu Trúc không sử dụng bàn xoay như những nơi khác. Để tạo hình và làm mịn bề mặt sản phẩm, họ vừa đi giật lùi vòng quanh chiếc trục gốm đặt khối đất sét, vừa đều tay xoa vuốt. Sản phẩm càng cầu kỳ, càng nhiều chi tiết hoặc kích cỡ càng lớn thì thời gian đi giật lùi càng nhiều. Cứ thế, có những ngày, họ phải đi 5-7 km để dốc hết sức lực, tâm huyết cho “đứa con tinh thần” của mình.
Năm 2017, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công bố quyết định chứng nhận nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
PHƯƠNG VI (tổng hợp)