UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái Việt Nam
Ngày 15/12, tại Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Paris, Pháp, Di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được thực hành chủ yếu tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái và Điện Biên. Đây là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Thái. Xòe thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngay sau khi được UNESCO thông qua, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Bí thư Yên Bái Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu bày tỏ vui mừng và vinh dự được UNESCO vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và hứa sẽ phối hợp bảo tồn, phát huy những giá trị vô cùng quý giá của di sản văn hóa phi vật thể này. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.
Vào lúc 11 giờ 11 phút giờ địa phương, (17 giờ 11 phút giờ Hà Nội), tại Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (diễn ra từ ngày 13 đến 18/12/2021 tại Trụ sở Tổ chức UNESCO ở thủ đô Paris của Pháp) được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ông Punchi Nilame Meegaswatte, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Sri Lanka, chủ trì, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại với số phiếu tuyệt đối.
Kỳ họp lần thứ 16 xem xét ghi danh các di sản mới trên cơ sở xem xét 48 hồ sơ đệ trình danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam.
Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân bày tỏ vui mừng cho biết, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái ở vùng núi Tây Bắc, mà còn là niềm vui chung của Việt Nam, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với di sản này, đối với những giá trị văn hóa Việt Nam.
Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra: (i) Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa tại Điều 2 của Công ước 2003; (ii) Việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; (iii) Các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; (iv) Xòe Thái đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; (v) Xòe Thái đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của Quốc gia thành viên đề cử di sản, như được quy định tại Điều 11 và 12 của Công ước 2003.
Trong tiếng Thái, “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Chủ thể của Nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái, cư trú ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Họ là một trong 54 dân tộc sinh sống ở Việt Nam, canh tác chủ yếu nghề trồng lúa nước. Những người thực hành Xòe là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và vị thế xã hội. Xòe được bà con người Thái thực hành ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.
Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Việc ghi danh hồ sơ Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Việc ghi danh này cũng góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Xòe Thái cũng như giá trị di sản văn hóa nói chung của cộng đồng, thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại. Đồng thời, việc ghi danh này cũng góp phần nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những truyền thống vũ đạo tương tự trong các vùng khác ở Việt Nam, tăng thêm niềm tự hào về bản bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Đây là lần thứ hai Kỳ họp của Ủy ban liên chính phủ được tổ chức trực tuyến do tác động của đại dịch Covid-19, song vẫn tiếp tục thu hút sự tham dự đông đảo của hàng trăm đại biểu là đại diện chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, viện văn hóa nghệ thuật và các bên liên quan trên khắp thế giới.
Một số hình ảnh phiên họp trực tuyến chiều nay tại Trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-chay/unesco-ghi-danh-nghe-thuat-xoe-thai-viet-nam--678392/