UNESCO vinh danh đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong số 53 danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử vừa được UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh.
Mới đây, tại phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Cùng chứng kiến thời khắc vinh dự này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cùng đại diện một số sở, ban ngành cũng có mặt tham dự.
Đây là sự kiện trọng đại không chỉ riêng Hà Tĩnh - Việt Nam mà còn là niềm vinh dự chung của các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức UNESCO. Việc UNESCO thông qua nghị quyết cùng tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa, y học của Việt Nam và với cá nhân danh nhân Lê Hữu Trác.
Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua giữa tỉnh Hà Tĩnh với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn (1724), mất năm Tân Hợi (1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó vùng đất Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Mộ Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung, khu lưu niệm ở xã Quang Diệm, đều thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Là con của tiến sĩ Thị lang Bộ Công triều Lê, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện. Lê Hữu Trác từng thi đậu Tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh.
Theo tài liệu lịch sử ghi chép, ông là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, là người có chí khí thanh cao nên sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội. Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai mất và phải nuôi mẹ, ông xin về quê mẹ ở ẩn.
Vốn là người thông minh, học rộng, sau một cơn bạo bệnh được thầy thuốc Trần Độc chữa trị và quý mến truyền thụ cho tất cả các kiến thức về y dược, Lê Hữu Trác đã nghiên cứu, hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học. Với trí thông minh hơn người lại cẩn trọng trong công việc, Hải Thượng Lãn Ông đã phát hiện những kiến thức mới về y học, sinh lý học, dược học.
Dựa trên thực tế dược liệu Việt Nam, ông đã có những sáng tạo độc đáo, tạo nên nhiều bài thuốc quý hiếm, chữa bệnh cứu người thành công. Đại danh y đã phát hiện 305 vị thuốc nam, sưu tầm, thu thập 2.854 vị thuốc nam hay của các bậc tiền bối, nhất là Nam dược của Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Với tâm nguyện ấp ủ là soạn sách, mở trường thuốc để truyền bá y học, Lê Hữu Trác đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với các tác phẩm nổi tiếng như: Thượng kinh ký sự, Nữ công thắng lãm, Bảo thai thần hiệu diễn ca, Vệ sinh yếu quyết... Đặc biệt, bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh (28 tập, chia thành 66 quyển), được coi như cuốn bách khoa toàn thư về Đông y, là cột mốc đánh dấu bước tiến mới, mở đường cho sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam.
Ngoài đóng góp lớn cho nền y học nước nhà, Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong lịch sử nước ta ở thế kỷ 18. Ông được đánh giá là người mang tầm vóc quốc tế, đủ sức lãnh sứ mệnh nêu gương và truyền cảm hứng cho nhân loại, xứng đáng là một nhân vật lỗi lạc, toàn diện, sánh ngang với nhiều danh nhân trên thế giới.
Như vậy, với việc UNESCO ra nghị quyết lần này, Việt Nam đã có 7 danh nhân được UNESCO vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm là Nguyễn Du (năm 2015), Nguyễn Trãi (năm 1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), Chu Văn An (năm 2019), Hồ Xuân Hương (năm 2021), Nguyễn Đình Chiểu (năm 2021) và Lê Hữu Trác (năm 2023).