Ðừng chủ quan với bệnh bạch hầu
ĐBP - Hiện nay, bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước. Riêng các tỉnh Tây Nguyên chỉ hơn một tháng qua (tính đến ngày 12/7) đã ghi nhận 78 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 3 người tử vong; đặc biệt có tới 26 ca không có biểu hiện bệnh, được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. Trong đó, tỉnh Ðắk Nông ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 29 trường hợp, Kon Tum 26 trường hợp, Gia Lai là 20 trường hợp và Ðăk Lăk 3 trường hợp. Những con số này nói lên một điều, không thể coi thường bệnh bạch hầu, nếu bị lây nhiễm, tỉ lệ tử vong rất cao.
Nếu so với dịch Covid-19 về tốc độ lây lan, dường như khả năng lây nhiễm của bệnh bạch hầu cũng không hề kém, song cần phải nói rõ rằng, đến nay Việt Nam không có một ca nhiễm Covid-19 nào tử vong, kể cả những trường hợp nguy cơ tử vong cao như bệnh nhân số 91 đến nay cũng đã xuất viện. Trong khi đó, chỉ trong vòng hơn một tháng, với 78 ca nhiễm, bệnh bạch hầu đã cướp đi 3 sinh mạng. Rõ ràng, không cần phải làm phép tính quá phức tạp, người ta cũng nhẩm tính được ở Việt Nam tỷ lệ gây tử vong từ bệnh bạch hầu cao hơn đại dịch Covid-19 gấp nhiều lần. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là dường như người dân đang quá chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.
Tại Ðiện Biên, dù nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, song Ðiện Biên lại có nhiều nét tương đồng với các tỉnh Tây Nguyên. Ðó là tỉnh miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; tỷ lệ người dân được tiêm phòng các loại vắc xin còn thấp; thậm chí một bộ phận người dân còn chống đối cán bộ y tế mỗi khi có chương trình tiêm vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, nguy cơ xâm nhập, bùng phát bệnh bạch hầu không phải là không có cơ sở.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu hiện nay, việc phòng bệnh không thể chủ quan, lơ là. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt chú trọng ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, như: Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng. Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng; bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân...
Ðến nay trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, không vì thế mà được phép chủ quan, lơ là, ngược lại ngành Y tế, các địa phương cần tiến hành rà soát, cập nhật lại danh sách trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng vắc xin, trong đó có vắc xin bạch hầu để vận động gia đình đưa trẻ đến tiêm cho đúng lịch. Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu và dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè, dịch bệnh Covid-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch bệnh bùng phát. Tăng cường tuyên truyền trên loa, đài để người dân hiểu và biết phòng bệnh. Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, lực lượng chức năng, người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tuyệt đối không được dấu bệnh hoặc tự ý điều trị tại nhà mà sớm đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.