Ứng dụng 5G vào ngành công nghiệp thông minh: Cơ hội nhiều, thách thức cũng lớn
Các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ 5G vào ngành công nghiệp thông minh mặc dù cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn.
Công nghệ 5G đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hiệu quả và đổi mới ở các ngành công nghiệp như sản xuất, nhà máy thông minh, cảng biển, và Internet vạn vật công nghiệp (IIoT). Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi các nhà mạng chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn quốc.
Tại Tọa đàm: Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh diễn ra ngày 26/12, ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone - cho rằng, cơ hội của 5G với nhà máy thông minh sẽ rất lớn. Theo khảo sát của VINASA, tại các khu công nghiệp, chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh với 98 doanh nghiệp cho thấy, 61% các doanh nghiệp chưa tự động hóa, hoàn toàn làm bằng tay, 25% tự động hóa được một phần nhỏ.
Đặc biệt, ở mảng thông minh hóa, 25% các doanh nghiệp hoàn toàn không kết nối, thông minh trong dây chuyền sản xuất. Lợi thế của Việt Nam là lao động giá rẻ. Vì vậy, chúng ta vẫn chủ yếu sản xuất thủ công, gia công cho thế giới về may mặc, da giày... Do đó, dư địa để làm nhà máy thông minh ở Việt Nam còn rất nhiều.
"Cơ hội là như vậy, tuy nhiên nhận thức của các doanh nghiệp về nhà máy thông minh còn rất thấp. 5G chỉ là công nghệ kết nối, còn nhà máy cần cả một dự án chuyển đổi số. Để làm điều đó thì phải có sự đầu tư" - ông Nguyễn Tuấn Huy nói.
Nhà mạng đầu tư không nhỏ nhưng chưa nhìn thấy đầu ra. Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Chúng ta cần truyền thông cho xã hội về việc chuyển đổi số có thể mang lại những lợi ích gì.
Phân tích cụ thể những thách thức của việc ứng dụng 5G vào sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Huy nêu, thách thức đầu tiên là khung pháp lý, chúng ta chưa có các cơ sở pháp lý đầy đủ, tiêu chuẩn cũng chưa có. Nhập thiết bị hãng nào? Về có phát sóng được không? Có gây nhiễu thiết bị khác được không?
Thứ hai, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp công nghệ 5G. "Drone làm sao bay được khi dây diện chằng chịt trên trời? Đường Hà Nội làm sao đi được xe tự lái khi suốt ngày tắc?" - ông Huy dẫn chứng.
Thứ ba, là bài toán đầu tư. Muốn phủ sóng 5G thì số lượng trạm phải rất lớn, phải tầm vài trăm nghìn trạm mới phủ sóng 5G hết Việt Nam. Trung Quốc hiện có 4-5 triệu trạm 5G, Việt Nam cũng cần khoảng 1/10 so với họ. Số tiền đầu tư cũng lớn, 1 trạm 5G = 3, 4 trạm 4G. Trong khi đó, mức độ hiểu biết, chấp nhận 5G ở xã hội Việt Nam còn thấp.
Thách thức cuối cùng là vấn đề an ninh mạng. Số lượng kết nối IoT lớn, nếu bị tấn công DdoS thì hậu quả sẽ rất lớn. Đó là những thách thức mà các nhà mạng sẽ gặp phải.
Ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam - cho biết, triển khai 5G ở Việt Nam bây giờ là thời điểm phù hợp, không quá sớm nhưng không muộn. Chúng ta kỳ vọng vào 5G rất nhiều khi Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố tiêu chuẩn và thương mại hóa chính thức năm 2019. Theo truyền thông, 5G là công nghệ di động phát triển nhanh nhất thế giới tính đến hiện tại.
"Tuy nhiên, hiện nay tất cả nhà mạng đều bối rối trước câu chuyện kiếm tiền từ 5G. Đầu tư là câu chuyện rất phức tạp. Với 4G trở xuống, tỷ lệ đầu tư của nhà mạng/xã hội là 40/60 thì 5G tỷ lệ còn khó khăn hơn. Kỳ vọng của 5G là vào IoT, B2B mà chi phí đầu tư cực lớn" - ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.
Ông Hồ Anh Thắng - Giám đốc Giải pháp tự động hóa Công ty Cổ phần TNtech - cho biết: "Từ nhu cầu thực tế trong quá trình triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ cho các khu công nghiệp, tôi đánh giá nhu cầu ứng dụng 5G vào nhà máy, khu công nghiệp thông minh rất lớn".
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi của người tiêu dùng, xã hội về việc phát triển bền vững, các vấn đề sản xuất thông minh, quản lý điều hành khu công nghiệp thông minh mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp, xã hội.
Theo khảo sát của một đơn vị lớn, việc sử dụng công nghệ thông minh sẽ giảm lượng khí thải carbon từ 5-15%, là lợi thế lớn trong triển khai giải pháp thông minh trong công tác quản trị, điều hành.
"Trong quá trình làm việc dưới các khu công nghiệp, tôi thấy họ luôn có nhu cầu áp dụng công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác quản lý vận hành tối ưu. Một nhu cầu cấp thiết là tiết giảm chi phí. Ngoài ra, sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường" - ông Thắng nói.
Ông Hồ Anh Thắng nhận định, 5G mang lại giá trị rất lớn cho doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, có những thách thức như: Việc triển khai hạ tầng 5G chi phí lớn nhưng các doanh nghiệp yêu cầu chi phí đầu tư hợp lý, nếu không sẽ đội chi phí sản xuất lên cao. Do đó, các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp FDI từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có yêu cầu lớn đối với giải pháp liên quan tự động hóa, kết nối. Chúng tôi được đặt hàng nhiều giải pháp tuy nhỏ nhưng mang lại giá trị lớn như lắp đặt các cảm biến không dây trong một nhà máy xử lý nước thải, điều mà trước đây không làm được.
Doanh nghiệp đặc thù sản xuất như linh kiện điện tử và lắp ráp... yêu cầu rất cao đối với tự động hóa và giải pháp áp dụng 5G. Doanh nghiệp đòi hỏi nhiều robot, chở xe hàng, sắp xếp xe hàng cũng có nhu cầu lớn với các giải pháp 5G.
"Chúng tôi mong muốn dựa trên nền tảng công nghệ 5G, trung tâm R&D của các nhà mạng có thể nghiên cứu giải pháp tích hợp đi kèm như cảm biến IoT đi kèm ứng dụng 5G, module AI xây dựng sẵn để khách hàng có nhu cầu sử dụng... Nó sẽ mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp, xã hội" - ông Thắng đề nghị.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) - chia sẻ thêm, khi đi vào mạng 5G, chúng ta thấy nó cá thể hóa cho từng đối tượng khách hàng. Khi cá thể hóa cho từng đối tượng khách hàng, các doanh nghiệp không chỉ cần đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan quản lý viễn thông mà còn với tất cả các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác.
Làm vậy là để các doanh nghiệp viễn thông biết được các chính sách liên quan đến những lĩnh vực ngành nghề khác. Khi biết được chính sách, biết được nhu cầu thị trường, doanh nghiệp sẽ có giải pháp cho các dịch vụ của mình. Bởi vì, nó cá thể hóa, nên việc chúng ta cá thể hóa dịch vụ cho từng đối tượng trong các thành phần kinh tế là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh, với 5G đã đấu giá, đã triển khai, đã có những đầu tư nhất định, chúng tôi cũng mong rằng các doanh nghiệp tăng cường việc tìm hiểu chính sách của các ngành nghề, tìm hiểu nhu cầu thực tế, từ các hầm lò xem có cần đến mạng 5G không. Mặt khác, ở góc độ khi chúng ta đưa tự động hóa vào, số lượng công nhân, người lao động giảm xuống, chúng ta có giải quyết tận cùng vấn đề - đó là đào tạo nghề mới cho họ không.
"Nếu chúng ta đào tạo nghề mới có lương cao hơn cho người lao động thì cũng chính là chúng ta góp phần vào việc giải quyết bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Còn nếu như chúng ta chỉ nhìn từ góc độ cung cấp một giải pháp tốt hơn mà không nhìn đến tận cùng vấn đề là lao động dư thừa, thì chắc chắn một số doanh nghiệp sẽ ngại ngùng trong việc ứng dụng công nghệ" - ông Nhã bày tỏ.