Ứng dụng AI trong cơ sở y tế để hợp nhất dữ liệu

Tình trạng dữ liệu phân tán trong các cơ sở y tế không những làm giảm hiệu quả hoạt động, mà còn ảnh hưởng tới quá trình điều trị và trải nghiệm của bệnh nhân. Việc ứng dụng AI có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Trong kỷ nguyên AI, việc thiết lập trung tâm dữ liệu hợp nhất là điều kiện tiên quyết để ngành y phát triển bền vững, hiệu quả.

Trong kỷ nguyên AI, việc thiết lập trung tâm dữ liệu hợp nhất là điều kiện tiên quyết để ngành y phát triển bền vững, hiệu quả.

Dữ liệu phân tán cản trở tối ưu hóa hệ thống y tế

Một trong những “điểm nghẽn” của ngành Y tế hiện nay là dữ liệu bị phân tán. Các cấu phần dữ liệu bị tách rời bao gồm bệnh án điện tử, hệ thống gọi y tá, tình trạng giường bệnh, các dữ liệu vận hành (kho thuốc và vật tư y tế, ca trực, hệ thống quản lý phục vụ bệnh nhân, hệ thống quản lý tòa nhà…), dữ liệu từ các cảm biến IoT…

Những dữ liệu này thường được lưu trữ trong các hệ thống riêng biệt, không được đồng bộ với nhau, khiến các bệnh viện dù sở hữu khối lượng dữ liệu khổng lồ, nhưng không thể khai thác tối đa giá trị. Hệ quả là các quy trình vận hành, chẳng hạn như quản lý giường bệnh, kiểm kê thuốc, xử lý yêu cầu điều dưỡng… trở nên chồng chéo, kém hiệu quả. Nhân viên y tế phải mất thời gian tra cứu hoặc cập nhật dữ liệu trên nhiều nền tảng khác nhau.

Ở cấp độ y khoa, việc thiếu dữ liệu cập nhật theo thời gian thực có thể dẫn đến khả năng sai sót trong kê đơn, điều trị hoặc theo dõi tình trạng bệnh. Các cảnh báo sớm về nguy cơ sức khỏe không được đưa ra kịp thời, khiến phản ứng y tế trở nên bị động. Đối với người bệnh, trải nghiệm khám chữa cũng trở nên rườm rà khi phải khai báo thông tin nhiều lần tại các bộ phận khác nhau.

Việc không tích hợp dữ liệu cũng tạo ra gánh nặng chi phí và nhân lực cho bệnh viện. Các thao tác thủ công đòi hỏi nhiều nhân sự hơn, làm tăng chi phí vận hành mà không mang lại giá trị tương ứng. Hơn nữa, các cơ sở y tế có thể bỏ lỡ những cơ hội cải thiện hiệu quả nội bộ và tăng cường chất lượng dịch vụ do thiếu khả năng phân tích toàn diện, không có một nguồn dữ liệu tập trung để trích xuất những thông tin sâu và giá trị.

AI – lời giải cho hệ sinh thái dữ liệu y tế thống nhất

Sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra tiềm năng vô hạn trong rất nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe và điều trị y tế.

Nâng cao trải nghiệm cho bệnh nhân nhờ ứng dụng AI.

Nâng cao trải nghiệm cho bệnh nhân nhờ ứng dụng AI.

Với khả năng thu thập, liên kết và phân tích dữ liệu, AI có thể gom toàn bộ dữ liệu từ các hệ thống rời rạc về một trung tâm dữ liệu hợp nhất. Từ đó, các mô hình AI có thể được huấn luyện để phân tích hành vi, tối ưu quy trình và đưa ra cảnh báo sớm cho nhân viên y tế.

Cách tiếp cận này giúp các cơ sở y tế chuyển đổi từ mô hình “quản lý bị động” sang “quản lý chủ động”. Chẳng hạn, thông qua dữ liệu điều trị, AI có thể nhận diện bệnh nhân sắp xuất viện và ngay lập tức kích hoạt một chuỗi tác vụ liên quan: chuẩn bị giấy xuất viện, báo hệ thống vận chuyển đưa bệnh nhân về, điều phối đội ngũ vệ sinh phòng, gửi đơn thuốc tới bộ phận cấp phát, cập nhật giường trống, lên lịch trị liệu hậu xuất viện… Tất cả diễn ra liền mạch, giảm thời gian chờ đợi và tối ưu tài nguyên.

Schneider Electric, tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về chuyển đổi số quản lý năng lượng và tự động hóa, đã triển khai các giải pháp như vậy trong nhiều bệnh viện trên toàn thế giới.

Tại Bệnh viện Đại học Lille (Pháp), một khu phức hợp đang phục vụ khoảng 1,4 triệu bệnh nhân, nền tảng EcoStruxure Power Monitoring Expert của Schneider Electric giúp đánh giá chuẩn xác mức tiêu thụ năng lượng tổng quan, từ đó dự tính trước chiến lược bảo trì. Đặc biệt, nguồn điện sẽ được đảm bảo cấp liên tục 24/7 và mức tiêu thụ năng lượng giảm 15%, từ đó giảm được chi phí năng lượng.

Trong khi đó, tại The Pavilion thuộc Bệnh viện Đại học Pennsylvania (Mỹ), giải pháp tòa nhà tích hợp của Schneider Electric cho phép bệnh nhân tự điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, rèm cửa thông qua công nghệ tự động. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm của bệnh nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho điều dưỡng.

Giá trị cốt lõi của các giải pháp mà Schneider Electric theo đuổi nằm ở sự kết nối giữa công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT). Việc đồng bộ giữa các tầng dữ liệu, từ hồ sơ bệnh án đến hệ thống kỹ thuật là nền tảng để AI phát huy hiệu quả thực sự trong hệ sinh thái y tế hiện đại.

Trong kỷ nguyên AI, việc thiết lập trung tâm dữ liệu hợp nhất được coi là điều kiện tiên quyết để ngành y phát triển bền vững, hiệu quả, linh hoạt và phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Đây chính là mô hình bệnh viện của tương lai.

Anh Minh

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-ai-trong-co-so-y-te-de-hop-nhat-du-lieu-20250523174531468.htm