Ứng dụng AI trong nhà trường: Làm sao tránh lãng phí?

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực giáo dục được xem là xu hướng, khi nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đang được triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, làm sao để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất AI được tối ưu, tiết kiệm chi phí và triển khai hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm.

Thực trạng đầu tư nhiều trang thiết bị tiền tỷ gây tốn kém nhưng chưa hiệu quả.

Thực trạng đầu tư nhiều trang thiết bị tiền tỷ gây tốn kém nhưng chưa hiệu quả.

Ứng dụng AI vào giảng dạy cần triển khai từng bước, theo từng giai đoạn. Trong đó, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên biết dùng AI tạo sinh là giai đoạn tiên quyết trước khi nhà trường ra quyết định đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị đắt tiền.

Bài học từ những trang thiết bị tiền tỉ

Tình trạng đầu tư công nghệ giáo dục nhưng không sử dụng hiệu quả không chỉ là thực trạng tại Việt Nam mà còn được ghi nhận ở nhiều quốc gia đang phát triển. Theo báo cáo của UNESCO (2023), chỉ khoảng 30% thiết bị công nghệ được sử dụng thường xuyên trong lớp học tại các trường phổ thông ở Đông Nam Á. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đào tạo giáo viên và sự thiếu liên kết giữa đầu tư công nghệ với nội dung giảng dạy và phương pháp sư phạm (UNESCO, 2023).

Có những trường học, ngân sách bỏ ra hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để lắp đặt các hệ thống bảng (màn hình) tương tác thông minh, phòng lab, các trang thiết bị thí nghiệm mắc tiền nhưng rất ít khi dùng, chủ yếu sử dụng trong tiết hội giảng, dự giờ hoặc không được khai thác đúng mức. Thực trạng này phần lớn do thiếu sự đào tạo cho giáo viên hoặc không phù hợp với nhu cầu thực tế.

Tại nhiều quốc gia, việc ứng dụng các công nghệ này, ví dụ như "bảng tương tác" khá hiệu quả vì họ đã có sẵn rất nhiều tài nguyên bài giảng, mỗi bài học lại có nhiều bài giảng khác nhau cho cùng một nội dung, giáo viên chỉ cần lựa chọn bài giảng phù hợp với mình và chỉnh sửa lại, vừa tiết kiệm thời gian, vừa hiệu quả.

Chính vì vậy mà việc đầu tư mua máy móc, trang thiết bị tuyệt đối không được làm theo phong trào, không phải làm để hoàn thành chỉ tiêu, mà cần có sự triển khai phù hợp theo từng giai đoạn, từng bước, kết hợp với đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên có khả năng sử dụng các trang thiết bị tương ứng một cách hiệu quả, tạo ra giá trị thật.

Trước khi đầu tư thiết bị AI, hãy đào tạo con người biết dùng AI.

Trước khi đầu tư thiết bị AI, hãy đào tạo con người biết dùng AI.

Trước khi đầu tư thiết bị AI, hãy đào tạo con người biết dùng AI

Từ những thực tại về vấn nạn đầu tư trang thiết bị bừa bãi trên, có thể thấy những lý do tiên quyết khiến công nghệ còn khó áp dụng trong việc giảng dạy tại Việt Nam là chưa nhiều giáo viên có kỹ năng tốt về công nghệ, thiếu thời gian chuẩn bị và thiếu cơ sở tài nguyên bài giảng đồng bộ.

Theo nghiên cứu của Holmes et al. (2022), việc đào tạo giáo viên thành thạo sử dụng công nghệ AI không chỉ giúp tăng hiệu quả giảng dạy mà còn làm tăng niềm tin của giáo viên vào công nghệ, từ đó thúc đẩy tính bền vững trong ứng dụng công nghệ giáo dục. AI tạo sinh (Generative AI) hiện nay không chỉ hỗ trợ tạo nội dung mà còn giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập theo năng lực và phong cách học của từng học sinh (Zawacki-Richter et al., 2020).

Hiện nay, AI tạo sinh (Generative AI) - công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh, hoặc video từ dữ liệu đầu vào - đang cực kỳ phổ biến, với các mô hình miễn phí như GPT, DALL-E, hay MusicLM,... Các ứng dụng này có thể hỗ trợ sáng tạo, tự động hóa công việc, và cải tiến chất lượng bài giảng.

Đồng thời, các ứng dụng này đa phần đã hỗ trợ các phiên bản tiếng Việt, dễ sử dụng, dễ tương tác và có thể hỏi đáp trực tiếp ngay trong quá trình thao tác. Chính vì vậy mà nhà trường có thể bắt đầu tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn sử dụng AI tạo sinh trong công tác soạn thảo giáo án và dạy học.

Quan trọng nhất là cách giáo viên cùng làm việc với AI, xem AI là "thư ký" có thể hỗ trợ các công việc hành chính như soạn đề, chấm thi, thiết kế slide bài giảng một cách nhanh chóng. Việc sử dụng thuần thục AI tạo sinh giúp tạo ra con người biết dùng AI, thích AI và làm việc hiệu quả với AI. Từ đó các đóng góp, đề xuất đầu tư các trang thiết bị AI phục vụ cho công tác giảng dạy sẽ bám sát giá trị thực tiễn và hiệu quả, tránh lãng phí, mang tính hình thức.

Đầu tư vào hạ tầng công nghệ là điều kiện cần, nhưng không đủ để chuyển đổi số giáo dục thành công. Vì vậy rất cần thiết xây dựng năng lực công nghệ số trong đội ngũ giáo viên, từ tư duy sư phạm đến kỹ năng vận hành công cụ. Trước bối cảnh AI phát triển nhanh chóng, đào tạo nguồn nhân lực biết cách sử dụng AI tạo sinh là việc tiên quyết trước khi nhà trường đầu tư các trang thiết bị AI mắc tiền.

Hướng đến khung năng lực AI cho giáo viên và chính sách đi kèm đầu tư thiết bị

Trong bối cảnh AI phát triển với tốc độ chóng mặt, việc đầu tư thiết bị công nghệ cho nhà trường cần đi đôi với xây dựng khung năng lực sử dụng AI dành cho giáo viên. Khung năng lực này không chỉ bao gồm kỹ năng sử dụng công cụ như ChatGPT, Copilot, mà còn cần đề cập đến các năng lực phức hợp hơn như: hiểu biết về đạo đức số, khả năng kiểm định độ tin cậy của nội dung AI tạo sinh, và cách tích hợp AI vào phương pháp dạy học theo khung TPACK một cách linh hoạt.

Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư thiết bị AI trong giáo dục nên gắn liền với chỉ số năng lực khai thác AI của đội ngũ sử dụng, tương tự như mô hình đánh giá readiness (mức độ sẵn sàng) trong chuyển đổi số doanh nghiệp. Một trường học chỉ nên được đầu tư thiết bị công nghệ cao khi có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở dữ liệu, và kế hoạch khai thác rõ ràng - tránh lặp lại tình trạng "đầu tư trước - vận hành sau" dẫn đến lãng phí.

Về dài hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể phối hợp với các trường đại học sư phạm và viện nghiên cứu công nghệ để xây dựng Khung năng lực AI quốc gia cho giáo viên, từ đó có cơ sở để cấp chứng chỉ, tổ chức tập huấn theo chuẩn và định hướng phát triển bền vững trong ứng dụng AI vào giáo dục.

Ths. Võ Thị Mỹ Duyên

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ung-dung-ai-trong-nha-truong-lam-sao-tranh-lang-phi-179250516101338766.htm