Ứng dụng Blockchain trong kinh tế số cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý

Thúc đẩy ứng dụng Blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ.

Blockchain phát triển nhanh chóng nhưng khung pháp lý chưa đầy đủ

Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số” do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức đã diễn ra trong ngày 29/9/2023 trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể của Khoa học, Công nghệ và Môi trường lần thứ 7.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng việc thúc đẩy ứng dụng Blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ.

“Công nghệ Blockchain được biết đến trong 5 năm trở lại đây với những ứng dụng vượt trội trong nhiều lĩnh vực”, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh khi nói về ứng dụng thực tiễn của Blockchain và khung pháp lý để quản lý, phát triển loại hình này.

Ông cho biết: Quốc hội đánh giá cao tiềm năng của công nghệ Blockchain và đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, tăng trưởng đột phá cho Việt Nam.

 Thúc đẩy ứng dụng Blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ. Ảnh: Hà Linh

Thúc đẩy ứng dụng Blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ. Ảnh: Hà Linh

Ông Huy đặt vấn đề với Hội thảo: Hướng phát triển công nghệ Blockchain thế nào? Ứng dụng công nghệ Blockchain đặt trong phát triển nền kinh tế như thế nào? Môi trường thể chế chính sách như thế nào để thụ hưởng tối ưu lợi thế của công nghệ và kiểm soát rủi ro trong ứng dụng là những thách thức đang đặt ra với công nghệ mới này.

Blockchain phát triển nhanh chóng, nhưng khung pháp lý chưa đầy đủ nên đang có nhiều khúc mắc và băn khoăn từ phía người dùng và phía quản lý nhà nước. Thậm chí đây cũng là lĩnh vực nhiều rủi ro bị kẻ xấu và tội phạm lợi dụng.

Đơn cử như tiền mã hóa (tiền kỹ thuật số, tiền ảo) dù ở Việt Nam chưa được công nhận, song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch. Tiền mã hóa được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này? Trên thế giới nhiều vụ rửa tiền liên quan đến tiền ảo bị bắt giữ.

Ở Việt Nam, từ năm 2017 đến 2023, Việt Nam ghi nhận hai vụ án liên quan đến tiền ảo và Blockchain. Thứ nhất là vụ án kinh tế hồi tháng 9/2017, Cơ quan thuế Bến Tre một thợ đào bitcoint 2,6 tỷ đồng tiền nhưng cơ quan thuế đã thất bại vì luật pháp chưa công nhận bitcoin là một tài sản pháp lý. Thứ hai là vụ án hình sự cướp tài sản ảo hồi tháng 5/2023 tại TP HCM có trị giá 37 tỷ đồng. Đối tượng cướp đã lấy USB chứa thông tin về mã khóa cá nhân, và chuyển bitcoin từ ví của nạn nhân sang ví mình.

Những vụ việc này được nêu lên để thấy, cần sớm có khung pháp lý đầy đủ và phù hợp để bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, để phòng chống và giảm thiểu tội phạm tài chính - rửa tiền - tài trợ khủng bố - thao túng thị trường. Đồng thời giảm phát thải khí nhà kính do khai thác tài sản tiền mã hóa, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng vượt trội và nhanh chóng.

Bà Lưu Hương Ly, Trưởng phòng Pháp luật Dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết thêm, một số người khởi nghiệp đang có lo ngại về tài sản ảo, tội phạm lừa đảo khi sử dụng công nghệ mới, trong đó có công nghệ Blockchain. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cần tiếp cận các hình thái tài sản mới

Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu: Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Blockchain mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội những cũng gây ra các tồn tại vô hình và tạo ra thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các nhà lập pháp trong quá trình nghiên cứu và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, vừa thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, vừa đảm bảo sự quản lý của nhà nước, ổn định tài chính, thúc đẩy sự cạnh tranh minh bạch và công bằng,...

Nhiều quốc gia đã ban hành luật và các văn bản pháp lý tương đương về quản lý tài sản số như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan... Trong đó có những đạo luật đã có hiệu lực thi hành, có những đạo luật chưa được đưa vào thực thi.

Tại Việt Nam, tài sản số tuy chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nhưng đã được đề cập tại một số văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện sự chủ động tiếp cận các vấn đề mới của các cơ quan quản lý và các cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển nền kinh tế số và thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển nền kinh tế số theo định hướng chỉ đạo Đại hội Đảng XIII.

Các cơ quan nhà nước đã có nhiều động thái tích cực trong việc tiếp cận hình thái tài sản mới này. Đơn cử như Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp cùng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tổ chức chương trình tập huấn dành cho các Chánh án, Công tố trên toàn quốc về chủ đề “Tiền điện tử” và những biện pháp truy vết tội phạm liên quan hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Gần đây hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đồng hành cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức liên tiếp 2 hội thảo về “Phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền điện tử”. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng mới ban hành khuyến cáo về một số sàn giao dịch tiền mã hóa, forex,... hôm 23/9 nhằm bảo vệ người dùng.

Trước đó, các định nghĩa về Tài sản ảo, Nhà cung cấp tài sản ảo đã gián tiếp được thừa nhận khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay mặt Chính phủ Việt Nam ký cam kết với Lực lượng Hành động Tài chính (FATF) nhằm thúc đẩy tăng cường khung thể chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (AML/CFT).

Nhưng bên cạnh những thuận lợi, tiện ích thì các ứng dụng công nghệ mới như Blockchain cũng đặt ra những khó khăn, thách thức.

Việt Nam cần gấp rút nắm bắt thời cơ để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ Blockchain nói riêng, ông Huây phát biểu.

Ông Phan Đức Trung- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain đề xuất các nhà lập pháp tiếp cận các hình thái tài sản mới như: Tiền ảo (VA), tiền mã hóa (CA), tài sản số dưới (DA) góc độ bộ Luật Dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.

“Chúng ta cần có sự nghiên cứu về việc thay đổi khung khổ pháp lý để xử lý những vi phạm về tài sản ảo, tiền ảo”, ông Vũ Văn Xứng- Cục trưởng Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ), bổ sung thêm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, những thông tin tại Hội thảo là những gợi mở để các đại biểu nghiên cứu, và có đóng góp thiết thực hơn nữa trong hoạt động của Quốc hội. Đồng thời thúc đẩy tiến trình phát triển nền kinh tế số và thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển nền kinh tế số theo định hướng chỉ đạo Đại hội Đảng XIII.

Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ung-dung-blockchain-trong-kinh-te-so-can-su-ung-ho-tu-goc-do-phap-ly-post266663.html