Ứng dụng blockchain trong phát triển thành phố thông minh
Công nghệ blockchain là một trong những công nghệ thiết yếu để tạo ra các thành phố thông minh của tương lai.
Những bộ phim khoa học viễn tưởng như Back to the Future II đã từng thể hiện phiên bản giả tưởng về thế giới năm 2015, nơi những ngôi nhà thông minh có khóa cửa quét vân tay và trợ lý điều khiển bằng giọng nói. Tất cả những điều này đã trở thành hiện thực, dù ô tô bay hoặc ván lượn bay như trong phim chưa thực sự hiện hữu hay phổ biến.
Nhìn chung, thế giới đang hướng tới việc phát triển và quản lý các thành phố theo hướng số hóa cao và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Những thành phố tiên tiến, sáng tạo và sử dụng công nghệ cao này được gọi là thành phố thông minh. Và blockchain (công nghệ chuỗi khối) là một trong những công nghệ thiết yếu để tạo ra các thành phố an toàn, minh bạch, hiệu quả và linh hoạt hơn. Dưới đây là một vài khía cạnh blockchain sẽ hỗ trợ các thành phố thông minh của tương lai.
*Cải thiện an ninh mạng
Hoạt động tội phạm mạng đang gia tăng từng ngày trên toàn thế giới. Một báo cáo cho thấy tội phạm mạng sẽ khiến các công ty thiệt hại ước tính khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2025. Giữa bối cảnh như vậy, công nghệ blockchain được tin tưởng có thể hữu ích trong việc giảm nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công mạng cho cả doanh nghiệp lẫn các thành phố thông minh.
Đối với hệ thống thiết bị thuộc mạng lưới Vạn vật kết nối Internet (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) tại các thành phố, công nghệ mã hóa đầu cuối, giao tiếp an toàn và xác thực được thực hiện nhờ blockchain có thể giúp cải thiện tính an ninh cho mạng lưới này. Khả năng xác minh của blockchain cũng giúp đảm bảo tính toàn vẹn của các bản cập nhật phần mềm thiết bị, cũng như ngăn chặn cài đặt phần mềm độc hại.
Blockchain cũng giúp bảo vệ danh tính cho người dân tốt hơn với các kỹ thuật xác thực như mật mã hóa (cryptography). Chúng có thể giúp hạn chế các hành vi trộm cắp danh tính như trộm cắp bằng lái xe hoặc thông qua thư tín.
* Nâng cao khả năng chăm sóc y tế
Giới chuyên gia cho hay blockchain có thể ứng dụng theo nhiều cách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế. Một số bệnh viện đã ứng dụng blockchain để xây dựng hệ thống phân tán quản lý hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân, tạo chuỗi cung ứng minh bạch cho dược phẩm cũng như quản lý sự bùng phát của các loại bệnh dịch.
Trên quy mô lớn hơn, blockchain có thể kết hợp với các công nghệ tiên tiến khác như AI để cải thiện hơn nữa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho các thành phố thông minh. Ví dụ: sự kết hợp giữa AI và blockchain có thể giúp chẩn đoán ban đầu tình hình bệnh nhân thông qua các thiết bị điện tử đeo người (wearable). Các chẩn đoán sau đó được chia sẻ với một chuyên gia y tế một cách bảo mật an toàn trên blockchain mà ít cần các thăm khám trực tiếp.
Bệnh nhân và bác sĩ sau đó có thể khởi tạo một hợp đồng thông minh (Smart contract - một bộ giao thức đặc biệt có khả năng tự động thực hiện các điều khoản hay thỏa thuận giữa các bên nhờ vào công nghệ blockchain) nếu có nhu cầu điều trị nâng cao.
Tương tự, hợp đồng thông minh có thể được sử dụng cho các yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
* Tăng cường quản lý chất thải
Blockchain có thể giúp duy trì một môi trường sạch sẽ, vệ sinh cao trong các thành phố thông minh thông qua theo dõi thời gian thực các hoạt động khác nhau liên quan đến quản lý chất thải. Ví dụ, blockchain có thể cung cấp thông tin minh bạch, bất biến về lượng chất thải được thu gom, ai đã thu gom chúng và cách chất thải được tái chế hoặc xử lý.
Các chính phủ cũng có thể khuyến khích quản lý chất thải để tăng tính vệ sinh, sạch đẹp cho môi trường cảnh quan với sự trợ giúp của blockchain. Điều này sẽ thúc đẩy người dân tích cực tham gia góp phần quản lý chất thải tốt hơn.
Như tại một thị trấn vùng Đông Bắc Argentina, một doanh nhân tên Ivan Zubilewicz đã tạo ra loại tiền điện tử có tên JellyCoin dựa trên công nghệ blockchain để trao chúng cho những cá nhân giúp quản lý chất thải. Trên thế giới cũng có những dự án tương tự kết hợp giữa blockchain và quản lý chất thải, với hy vọng sẽ mang lại một sự thay đổi cần thiết trong hành vi của người dân.
* Đơn giản hóa quy trình giáo dục
Một trong những ứng dụng tốt nhất của blockchain cho các thành phố thông minh là đơn giản hóa quy trình giáo dục. Các học viện thường phải xử lý một lượng lớn học liệu và dữ liệu học sinh. Việc chuyển giao dữ liệu giữa nhiều trường và học viện cũng khá vất vả và tốn thời gian.
Blockchain có thể giúp giải quyết các vấn đề trên bằng cách tạo ra một cơ sở dữ liệu tập trung, bất biến. Các tổ chức học thuật khác nhau có thể dễ dàng truy cập và chia sẻ thông tin trên mạng lưới blockchain, qua đó giảm bớt các công việc hành chính liên quan. Ngoài ra, blockchain cũng sẽ giúp giảm các trường hợp gian lận, chẳng hạn như tạo bảng điểm giả, vì dữ liệu sinh viên không thể thay đổi do bản chất bất biến của blockchain.
* Quản lý hệ thống giao thông hiệu quả
Công nghệ blockchain có thể giúp thúc đẩy dịch vụ giao thông vận tải trong các thành phố thông minh bằng cách tạo ra một mạng lưới phương tiện giao thông từ điểm tới điểm. Một mạng lưới như vậy có thể cho phép theo dõi hiệu quả các phương tiện giao thông, cung cấp một nền tảng an toàn cho việc đăng ký phương tiện và lái xe, cũng như thông báo cho chủ sở hữu về các cập nhật cần thiết. Ví dụ: blockchain có thể giúp tạo ra dữ liệu theo dõi chủ sở hữu phương tiện để ngăn chặn các vụ trộm cắp xe cũng như nâng cao chất lượng quy trình mua bán phương tiện.
Hiện ngày càng nhiều quốc gia trên toàn cầu đang triển khai blockchain cho các thành phố thông minh với các sáng kiến như Blockchain4cities. Không sớm thì muộn, công nghệ này sẽ được sử dụng trong mọi lĩnh vực, hứa hẹn mang lại những tiện ích và đảm bảo an ninh tốt nhất cho người dân của các thành phố tương lai./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-dung-blockchain-trong-phat-trien-thanh-pho-thong-minh/247733.html