Ứng dụng công nghệ để 'làm mới' bảo tàng

Bảo tàng thu hút người tham quan nhờ những câu chuyện lịch sử, văn hóa của các hiện vật có tuổi đời lên đến hàng trăm, hàng nghìn năm. Hiện nay, nhiều bảo tàng áp dụng khoa học - công nghệ để làm mới các câu chuyện, tạo ra nhiều góc nhìn độc đáo cho du khách.

Tăng khả năng kết nối, tương tác

Cuối năm 2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã mở cửa đón công chúng, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với mọi người. Cụ thể, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có hơn 150 nghìn hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia, bảo tàng đã ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất trong lĩnh vực trình chiếu và trải nghiệm để tăng tương tác và trải nghiệm cho người xem.

Hay tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, khách tham quan có thể có thể chiêm ngưỡng 35.000 hiện vật và tiếp cận những câu chuyện nghề nghiệp của các thế hệ nhà báo lão thành, thông qua những cú chạm tay. Trong khuôn viên rộng khoảng 1.500m2, bằng phương pháp trưng bày số hóa, người tham quan bảo tàng chỉ cần chạm tay là được tiếp cận trực tiếp với các âm thanh, hình ảnh, thước phim, các chân dung nhà báo và những câu chuyện báo chí, khiến hiện vật trở nên hấp dẫn, sống động.

 Công nghệ 3D giúp khách tham quan có những trải nghiệm thú vị về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Ảnh chụp màn hình)

Công nghệ 3D giúp khách tham quan có những trải nghiệm thú vị về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Ảnh chụp màn hình)

Tại Dự án “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” năm 2024, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng những câu chuyện kể hấp dẫn, sinh động giúp các hiện vật ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách. Các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới đã rất thành công trong việc áp dụng nhiều phương pháp tự sự (kể chuyện) thú vị.

Hiện nay, một số bảo tàng áp dụng công nghệ VR 360, ứng dụng Yoolife để tăng trải nghiệm cho du khách. Lấy ví dụ, chỉ cần một chiếc điện thoại, du khách có thể ngắm nhìn bao quát, toàn bộ các hiện vật trong bảo tàng, với chú thích, minh họa kỹ lưỡng. Ngoài ra, một số bảo tàng ở Việt Nam đang áp dụng chiếc hộp kể chuyện, tạo không gian riêng biệt để kể lại những sự kiện gắn liền với các hiện vật một cách chân thực, gần gũi nhất.

Mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ trong các bảo tàng

Thực tế, trong thời gian gần đây, các bảo tàng trên thế giới đã có nhiều ứng dụng mới, độc đáo và thú vị hơn để thu hút du khách đến tham quan. AI đang được sử dụng tương đối phổ biến ở một số bảo tàng tại châu Âu.

Tại Việt Nam, vào năm 2022, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh thử nghiệm mô hình Robot Batalis để thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan. Robot này có khả năng trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật và các phòng trưng bày, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Tuy nhiên ở Việt Nam, vẫn còn thách thức nguồn nhân lực, kinh phí để áp dụng công nghệ cao, nên phần lớn các bảo tàng vẫn đang áp dụng những công nghệ tương đối đơn giản, phổ biến. Phổ biến nhất là mã QR để quét các thông tin, dữ liệu về hiện vật trưng bày và công nghệ ảo VR 360, Mapping để tạo ra không gian đa chiều.

Ngoài việc áp dụng công nghệ để kể lại những câu chuyện của các hiện vật, bảo tàng ở Việt Nam, cần sử dụng thành tựu khoa học để bảo quản, lưu trữ các hiện vật. Hiện nay, có một số hiện vật do ảnh hưởng của thời gian, khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam mà đang bị biến dạng, hỏng hóc, thậm chí không thể phục hồi. Cho nên việc bảo quản, phục chế các hiện vật như quần áo, đồ trang sức, chiếu, biểu, cáo,... cần có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng của đội ngũ nhà khoa học.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ung-dung-cong-nghe-de-lam-moi-bao-tang-post543576.html