Ứng dụng công nghệ điều hợp sinh học tại các bệnh viện Việt Nam
Từ cuối tháng 1-2024 đến nay, chuyên gia can thiệp tim mạch hàng đầu Nhật Bản - Tiến sĩ, bác sĩ Makoto Sekiguchi đã đến Việt Nam và thực hiện chuỗi Hội thảo phục hồi chức năng mạch vành bằng công nghệ điều hợp sinh học mới lần lượt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Tiến sĩ, bác sĩ Makoto đã cùng đội ngũ chuyên gia tim mạch tại 2 bệnh viện trên thực hiện thành công 11 ca can thiệp mạch vành. Các bệnh nhân đã ổn định sau can thiệp và có kết quả phục hồi tích cực. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Phó trưởng ban Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Tổng thư ký Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam đánh giá, công nghệ điều hợp sinh học mới đã thể hiện nhiều sự vượt trội trong điều trị khôi phục chức năng mạch vành như tăng diện tích lòng mạch, giải phóng nhu động tự nhiên của mạch máu, thậm chí còn có biểu hiện đẩy lùi mảng bám xơ vữa. Công nghệ này cũng đã mở ra nhiều triển vọng cho bệnh nhân mạch vành, cùng thân nhân tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Thống kê tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 bệnh nhân qua đời vì bệnh tim mạch, trong đó bệnh động mạch vành là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hoặc tàn phế. Bệnh mạch vành xảy ra khi động mạch vành bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn bởi mảng bám (được tạo thành từ các chất béo và hợp chất khác) tích tụ dọc theo thành động mạch, tình trạng này thường được gọi là xơ vữa động mạch. Để điều trị các bệnh lý tim mạch, stent (khung đỡ bằng kim loại được đặt trong lòng động mạch vành) phủ thuốc được đánh giá là tiêu chuẩn vàng nhưng phương pháp can thiệp này vẫn còn một số hạn chế nhất định trong dài hạn.
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Thạch Nguyễn - “cha đẻ” của ngành tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết, các stent phủ thuốc là một bước tiến trong điều trị can thiệp mạch vành cho bệnh nhân, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, điểm yếu nhất định, nhất là tỷ lệ tái hẹp sau điều trị. Đây là trăn trở lớn của bác sĩ can thiệp tim mạch, cần tìm ra giải pháp điều trị không những an toàn mà còn hiệu quả lâu dài cho bệnh nhân. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, công nghệ điều hợp sinh học có nhiều điểm khác biệt với stent truyền thống với thiết kế tháo mắt cáo giải phóng nhu động tự nhiên của thành mạch. Đây là điều chưa có tiền lệ trong tim mạch can thiệp và hứa hẹn mở ra nhiều kỳ vọng trong điều trị lâu dài cho bệnh nhân.
Công nghệ điều hợp sinh học Bioadaptor do Công ty Elixir Medical Corporation (Hoa Kỳ) phát triển là một công nghệ điều trị bệnh mạch vành thế hệ mới, với thiết kế mang tính đột phá và những hiệu quả chưa từng thấy trong tim mạch can thiệp, được công bố kết quả lâm sàng tại Hội nghị Tim mạch quốc tế châu Âu (EuroPCR 2023). Cũng kể từ 2023, công nghệ điều hợp sinh học đã được ứng dụng rộng rãi tại hệ thống bệnh viện lớn ở Việt Nam như Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, Thống Nhất, Hùng Vương... Ngoài ra, các bệnh viện ở một số địa phương như các Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Phú Thọ, Kiên Giang, Trà Vinh và Bệnh viện Trung ương Cần Thơ cũng đã nhanh chóng cập nhật công nghệ mới này.