Ứng dụng công nghệ hỗ trợ phát triển du lịch: Không chỉ có bán hàng online?!
Mặc dù ngành du lịch, từ các hướng dẫn viên, doanh nghiệp cho đến các hiệp hội du lịch, lữ hành, cơ quan quản lý Nhà nước… đều khẳng định, du lịch là một trong các lĩnh vực chịu tác động lớn hàng đầu của cách mạng khoa học công nghệ.
Với người đi du lịch, việc tìm hiểu thông tin về điểm đến, dịch vụ, sử dụng dịch vụ… qua các “kênh” thông tin phi truyền thống, chủ yếu là qua internet đã trở thành phổ biến. Tuy nhiên, không ít người làm du lịch vẫn cho rằng, việc tận dụng những thành quả của cách mạng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ rằng, nhiều năm trở lại đây, khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ trong du lịch, ông thường tìm hiểu thông tin và giao dịch online.
Bởi lẽ, so với giá sử dụng dịch vụ đặt trực tiếp tại đơn vị cung cấp, có khi mức phí thấp hơn đến vài chục %. Chỉ cần 1 điện thoại thông minh hay máy vi tính, người sử dụng dịch vụ dễ dàng có thể so sánh giá cả, dịch vụ của cơ sở, điểm đến này so với cơ sở, điểm đến, dịch vụ ở nơi khác, có lựa chọn tốt hơn, phù hợp hơn.
Nhiều kết quả thống kê, nghiên cứu du lịch cũng cho thấy, du lịch trực tuyến đang nở rộ. Nhiều sàn giao dịch quốc tế có uy tín, tần suất giao dịch lên đến hàng triệu lượt/ngày. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế khác là các sàn giao dịch du lịch trực tuyến nước ngoài vẫn đang chiếm phần lớn thị phần tại Việt Nam.
Cụ thể thống kê của Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) cho thấy, các đại lý du lịch trực tuyến thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com… đang chiếm tới 80% thị phần ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, số công ty Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến không nhiều, nổi bật có Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, Tripi.vn, Gotadi.com, Vntrip.vn... Tuy nhiên, số lượng giao dịch của các sàn giao dịch này còn ít. Một trong số các lý do quan trọng nhất là hạn chế về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, nhân lực.
Thừa nhận tác động lớn của công nghệ đối với phát triển du lịch Việt Nam nhưng ông Amit Saberwal, nhà sáng lập đồng thời là CEO của RedDoorz, đơn vị quản lý khách sạn công nghệ lớn và phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, cho rằng, vai trò của công nghệ với du lịch còn lớn hơn nhiều so với các ứng dụng thực tế.
Cũng theo ông Amit Saberwal, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch Việt lâu nay mới chỉ phổ biến với du lịch trực tuyến, các kênh bán hàng online nhưng các nền tảng công nghệ số còn vô số tiện ích khác đối với cơ sở cung cấp dịch vụ, điểm đến như quản lý điện, nước, thậm chí là điều khiển máy lạnh, tivi bằng cảm ứng, giúp khách tự sử dụng các dịch vụ…
Với RedDoorz cũng như các công ty về công nghệ khác, Việt Nam vẫn là thị trường quan trọng bậc nhất và là thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Thực tế cho thấy, kể từ lúc chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 10-2018, đến nay, RedDoorz vẫn không ngừng mở rộng quy mô hoạt động. Mạng lưới của RedDoorz đã mở rộng đến hơn 125 khách sạn tại 5 thành phố trên cả nước và sẽ nâng lên 2.000 khách sạn tại 6 thành phố vào cuối năm 2019.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng thừa nhận, người làm du lịch Việt chưa thực sự am tường về sức mạnh của công nghệ. Trong thực tế, ứng dụng công nghệ vào du lịch rất rộng, rất thiết thực chứ không phải là những gì vĩ mô, cần đầu tư lớn.
Ở nhiều địa phương, kể cả nhiều vùng xa xôi hẻo lánh, nhiều cơ sở tư nhân, hộ gia đình phát triển dịch vụ homestay đã biết kết nối với các trang web, các địa chỉ cung cấp dịch vụ, đánh giá dịch vụ để có những điều chỉnh ngay tức khắc những gì được góp ý là chưa phù hợp. Vấn đề là phải làm sao để mọi nhà, mọi người, mọi doanh nghiệp, địa phương hiểu, biết được các ứng dụng công nghệ nào phù hợp để phát huy vào thực tế.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch cho rằng, bán hàng online qua các đại lý du lịch quốc tế lớn đang bộc lộ nhiều vấn đề trong kiểm soát chất lượng dịch vụ thực tế. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ứng dụng công nghệ sẽ góp phần hỗ trợ phát triển du lịch trên nhiều mặt, không chỉ có bán hàng online, thanh toán online.
Nhiều ứng dụng giúp cả khách du lịch, người làm du lịch, hướng dẫn viên, đơn vị lữ hành, điểm đến và cả cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ dịch vụ, người làm du lịch và cả hành vi của du khách chính xác hơn, nhanh hơn.
Đây là những công cụ cần thiết để các bên có sự điều chỉnh kịp thời hơn các bất cập cũng như phát huy tốt hơn các lợi thế sẵn có, để du lịch Việt ngày càng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn hơn của đông đảo du khách.
Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu khẳng định, Chính phủ và ngành du lịch luôn đề cao vai trò của ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ phát triển du lịch. Các cơ quan quản lý du lịch đã, đang có rất nhiều hoạt động cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết số 02/NP-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025...
Để đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới, cần phải có sự phối hợp tích cực của nhiều ban ngành, địa phương với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người làm du lịch. Nếu ngành du lịch “độc hành” thôi thì sẽ khó có hiệu quả cao.