Ứng dụng công nghệ phần mềm quản lý, gắn chíp để đảm bảo chất lượng sản phẩm chăn nuôi
Hiện nay, Hà Nội đang có trên 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hàng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế thăm quan, làm việc do vậy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi của thành phố là rất lớn. Nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý từ giống đến nuôi, xuất, giết mổ và đánh số, gắn chíp ghi chép theo dõi và đánh giá chất lượng đang là mục tiêu chính trong ngành chăn nuôi của Hà Nội.
Quy hoạch chăn nuôi theo vùng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, về khả năng tự sản xuất và cung ứng các sản phẩm chăn nuôi, hiện nay, Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm. Thịt lợn chỉ đáp ứng khoảng 71%, còn lại sẽ phải nhập khẩu từ thị trường các tỉnh lân cận hoặc nhập từ nước ngoài. Đối với sản phẩm thịt bò, sản lượng sản xuất ra của thành phố khoảng 10.000 tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu. Thủy sản khoảng 240.000 tấn/năm (hơn 600 tấn/ngày) trong khi đó sản xuất Nuôi trồng thủy sản của Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 43%.
Nhu cầu thực phẩm ước tính tăng trong thời gian tới vì thế TP đã có quy hoạch, tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền.
Như phát triển chăn nuôi bò sữa tập trung ở huyện Ba Vì, Gia Lâm, phát triển chăn nuôi bò thịt tập trung ở Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì; Phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm chủ yếu ở Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai. Nuôi trồng thủy sản hình thành rõ nét theo chuyên canh tập trung ở một số vùng như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì…
Quy hoạch vùng chăn nuôi để hình thành hướng liên kết chuỗi chăn nuôi nhằm quản lý và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại đảm bảo phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý giống, thực hiện bình tuyển đánh số, gắn chíp ghi chép theo dõi và đánh giá chất lượng.
Đến nay, đã có 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại; 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa. Các chuỗi đã thu hút được gần 3.000 hộ chăn nuôi và hàng nghìn chủ thể sản xuất và dịch vụ tham gia.
Đặc biệt, Hà Nội đã có nhiều chính sách để thúc đẩy chăn nuôi phát triển như: Chính sách về phát triển giống. Đưa những giống mới có hiệu quả cao vào thực tế sản xuất (đưa tinh phân ly giới tính trên bò sữa, giống bò BBB, Wagyu, Angus... trên bò Yorkshire, Landrace... trên lợn, Sasso, Ross 208, Brown, Ai Cập… trên gà).
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ xử lý môi trường cho các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, giết mổ, sử dụng công nghệ làm hầm Biogas bằng nhựa Composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt được TP quan tâm.
Định hướng tái cơ cầu ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thời gian tới giảm chăn nuôi, nuôi trồng trồng thủy sản quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư, không đáp ứng Luật Chăn nuôi, Luật Nuôi trồng thủy sản. Hạn chế chăn nuôi thương phẩm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tập trung đầu tư cho đối tượng vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ lực, phù hợp với vùng sinh thái, vùng chăn nuôi trọng điểm. Xây dựng, phát triển sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng năng suất, chất lượng cao.
TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng hệ thống cán bộ chuyên môn về chăn nuôi thú y từ cấp TP đến xã, phường, thị trấn, đến tận thôn bản để chủ động giám sát dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trong công tác phòng, chống dịch bệnh và liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nhất là liên kết chặt chẽ với 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng trong việc cung cấp sản phẩm cho Hà Nội. Tăng cường hợp tác với các tổ chức Quốc tế, cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm hướng tới xuất khẩu sản phẩm.
Vướng cơ chế phát triển chăn nuôn của các huyện chuẩn bị lên quận
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP thì các phường của các quận thuộc thành phố không được phép chăn nuôi. Thời gian tới, một số huyện ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng lên quận, diện tích chăn nuôi sẽ thu hẹp lại.
Ông Nguyễn Đức Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, hiện nay, chăn nuôi trong huyện vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp cơ bản ổn định như: Xã Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Văn Đức là những xã chăn nuôi trọng điểm nằm trong Đề án của TP Hà Nội.
Ngoài ra, các xã Dương Quang, Yên Thường, Kim Sơn vẫn còn tổng đàn lớn. Chăn nuôi đang là nguồn thu nhập chính của các hộ ở đây nên việc dừng ngay chăn nuôi là rất khó khăn.
UBND huyện Gia Lâm đã chủ động chỉ đạo các xã giảm dần tổng đàn và chuyển dần những trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư đảm bảo quy định. Trong huyện có xã Văn Đức, muốn chuyển sang nông nghiệp theo hướng quy hoạch mô hình kinh tế tuần hoàn, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Xã muốn chuyển chăn nuôi ra khu vực xa dân cư với quy mô theo hộ với diện tích 1.000m2. Nhưng gặp khó khăn vì liên quan đến Luật Đê điều, Văn Đức có đất hoàn toàn ngoài vùng bãi nên các hộ chăn nuôi không thực hiện được mô hình kinh tế tuần hoàn này.
Vì thế cần có cơ chế chính sách đặc thù cho vùng sản xuất nông nghiệp nằm ở ngoài bãi sông, trong không gian thoát lũ để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và các công trình phục vụ chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư đảm bảo theo quy định tại Thông tư 23/2019/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT.