Ứng dụng công nghệ số - Chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp hiện đại
Ngày 17-8, tại huyện Chương Mỹ, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Ứng dụng công nghệ số - Chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp hiện đại'.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, đại diện hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực tế công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp được thành phố Hà Nội quan tâm, trong đó có việc triển khai như truy xuất nguồn gốc. Trong đó, đã phối hợp, triển khai theo cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch sản phẩm với mã QR.
Đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông - lâm - thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống cho 3.229 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói lâm sản và thủy sản; đã cấp 11.713 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông - lâm - thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.
Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh, thành phố khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất. Hầu như các cơ sở dữ liệu về đất, sức khỏe về đất, thực trạng, thành phần về đất đã được cập nhật hiện trạng trên cơ sở bản đồ số.
Hà Nội cũng đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch như: Voso, Sendo…
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, chính đội ngũ cán bộ khuyến nông cũng cần được tập huấn chứ không chỉ riêng nông dân, hợp tác xã. Trung tâm mong muốn thông qua những hội nghị, tọa đàm tập huấn, nông dân sẽ nhận thức được sự cần thiết phải tham gia công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong từng phần việc cụ thể ra sao. Do đó, Trung tâm tổ chức hàng chục lớp tập huấn về nội dung này đối với nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã nhằm thay đổi tư duy cho nông dân về ứng dụng công nghệ số không thể đơn lẻ từng hộ làm được mà bắt buộc phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Trước đó, các đại biểu tham quan mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn.