Ứng dụng công nghệ số trong thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) qua tài khoản ngân hàng đạt trên 90%, đảm bảo minh bạch, hiệu quả và an toàn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khả ở xã Nam Điền (Thạch Hà) nhận khoán bảo vệ và phát triển 27 ha rừng. Hằng năm, gia đình ông Khả được nhận hơn 6,2 triệu đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng. Việc nhận tiền qua tài khoản có rất nhiều thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Khả cho biết: “Trước khi nhận tiền, tôi được xem trước danh sách thông báo công khai. Tôi cho rằng đây là hình thức chi trả tiền rất rõ ràng, minh bạch và an toàn. Tôi rất đồng thuận với cách làm này. Số tiền này tôi có thể rút về để dùng hoặc để lại tài khoản làm tiền tiết kiệm khi nào cần mới sử dụng".
Hà Tĩnh có tổng diện tích rừng trên 300.000 ha, trong đó có trên 104.000 ha được chi trả tiền DVMTR. Năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả tiền DVMTR với tổng số tiền hơn 6,7 tỷ đồng, trong đó chi trả qua tài khoản ngân hàng với tỷ lệ trên 90%.
Để việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt cho các chủ rừng được thuận lợi, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với các huyện, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến các văn bản quy định về chính sách chi trả DVMTR của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP; lợi ích từ việc chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt qua hệ thống tài khoản. Việc thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản đối với chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cho thấy tiết kiệm chi phí, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn so với chi trả bằng tiền mặt.
Ông Phạm Thái Bình - Quyền Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về chi trả tiền DVMTR không sử dụng tiền mặt, đến nay, Quỹ đã thực hiện chi 100% tiền DVMTR đối với các chủ rừng là tổ chức. Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, Quỹ đã phối hợp với UBND cấp xã, dịch vụ thanh toán điện tử ViettelPay triển khai lập hơn 997 tài khoản cho các chủ rừng tại 5 xã thuộc huyện Hương Khê, Thạch Hà và Cẩm Xuyên.
Năm 2023, Hà Tĩnh thu tiền DVMTR đạt hơn 8,7 tỷ đồng. Mặc dù nguồn thu đang khiêm tốn nhưng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực thi trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập cho người làm nghề rừng. Bên cạnh đó, chính sách chi trả DVMTR tạo lập một nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững, góp phần giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp trong việc huy động các nguồn thu để thực hiện sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.