Ứng dụng công nghệ số trong y học để đón đầu và hội nhập
Tại hội nghị 'Y học công nghệ 4.0- những bước tiến vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị' do hệ thống y tế MEDLATEC tổ chức ngày 22/1, chủ đề Nền tảng công nghệ giúp tăng tốc hành trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn khách mời tham dự hội nghị.
Theo thống kê, năm 2016, Việt Nam chỉ có 0,82 bác sĩ/1000 dân, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự quá tải tại các bệnh viện, thêm vào đó chất lượng bác sĩ chưa đồng đều giữa các vùng địa lý, hầu hết bác sĩ có trình độ cao đều tập trung ở các thành phố lớn dẫn đến tình trạng người dân ở các vùng nông thôn, dồn về các bệnh viện tuyến trung ương để thăm khám các bệnh lý thông thường làm cho tình trạng quá tải càng trở nên trầm trọng.
Thêm vào đó, sự gia tăng các bệnh nhân các bệnh lý mạn tĩnh và các bệnh nguy hiểm trong những năm gần đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại của ngành y tế. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người đang mắc các bệnh đái tháo đường nhưng chỉ 50% trong số đó biết mình mắc bệnh, và có 60 – 70% những người được chẩn đoán đái tháo đường chưa được theo dõi điều trị và quản lý đúng cách.
Số liệu thống kê năm 2020 Việt Nam có đến 182.563 ca ung thư được phát hiện mắc mới và phần lớn trong đó là phát hiện muộn. Việt Nam cũng đang là quốc gia báo động về tình trạng đột quỵ ở những người trẻ tuổi và trung tuổi. Đó có thể là hậu quả của việc có đến 25% dân số có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Có đến 47% những người trên 25 tuổi có nguy cơ bị tăng huyết áp.
Theo bác sĩ Lê Đức Nguyên - Giám đốc CTCP Công nghệ và dịch vụ y tế số Med-on, hiện tại, người dân chưa có đủ hiểu biết về tầm quan trọng của kiểm tra sức khỏe định kỳ và chưa hình thành thói quen khám – kiểm tra sức khỏe định kỳ. Theo thống kê, mỗi năm 1 người dân Việt Nam thực hiện các hoạt động kiểm tra sức khỏe chỉ khoảng 1,5 lượt/1 người, so với một số quốc gia khác, con số này đang rất khiêm tốn.
Xuất phát từ mong muốn góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, nền tảng chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ số Med-on của hệ thống Y tế MEDLAEC ra đời với kỳ vọng mỗi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế một cách dễ dàng, được tư vấn sức khỏe bởi động ngũ bác sĩ chính thống. Hệ thống được cài đặt dễ dàng ngay trên điện thoại thông minh. Chương trình này là một nền tảng tạo ra giao thức kết nối, tương tác giữa người dùng có nhu cầu chăm sóc, tư vấn sức khỏe với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế và các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế được vận hành và phát triển từ năm 2016.
Trải qua 4 năm nghiên cứu phát triển, Med-on đã có 200.000 lượt người dùng cài đặt, với dữ liệu 11.000 bác sĩ, hơn 100 dữ liệu đối tác cung cấp dịch vụ y tế. Chương trình cũng đã thực hiện hơn 50.000 lượt tư vấn cho người dùng bằng hình thức hỏi đáp. Năm 2020, Med-on bắt đầu nghiên cứu phát triển và cung cấp hình thức tư vấn sức khỏe từ xa qua video giữa người dùng và bác sĩ; Cung cấp gần 100 gói khám tại bệnh viện – Gói xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tại nhà, đáp ứng hầu hết các nhu cầu kiểm tra sức khỏe của nhiều độ tuổi khác nhau. Các gói dịch vụ này được xây dựng bởi đội ngũ bác sĩ chuyên gia đầu ngành, giúp người dân dễ dàng lựa chọn và yên tâm sử dụng.
Năm 2020, Med-on là đại diện số 1 của lĩnh vực công nghệ y tế lọt vào chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp – Sáng tạo – Đổi mới Quốc gia – Techfest Việt Nam 2020”; Là đại diện tiêu biểu ở lĩnh vực y tế có bài tham luận ở phiên “Chuyển đổi số Lĩnh vực y tế” tại sự kiện “DX-DAY – Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 do VINASA và Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức ngày 15/12/2020.