Ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo góp phần hỗ trợ tích cực người làm xuất bản
Ngày 31/7, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024 nhằm đánh giá công tác xuất bản 6 tháng đầu năm và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024.
Tham dự hội nghị có: ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam…
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn với gần 397,8 triệu bản (tăng gần 19% về cuốn và tăng 31% về bản). Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 23.066 cuốn với hơn 370 triệu bản (tăng 20% về cuốn và tăng hơn 29% về bản); Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%); Xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với hơn 27,2 triệu bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng gần 63% về bản).
Con số tăng trưởng về số đầu sách, bản sách trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như trong nước cho thấy hoạt động của ngành xuất bản 6 tháng đầu năm vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nội dung xuất bản phẩm và hoạt động xuất bản bám sát định hướng của cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản vẫn còn một số hạn chế: Tình trạng những xuất bản phẩm có chất lượng kém, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; Tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản; Tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản vẫn còn diễn ra, thậm chí có nơi để tình trạng này kéo dài đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải có văn bản nhắc nhở.
6 tháng đầu năm 2024, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, so với quy mô nhập khẩu sách, dòng chảy xuất khẩu sách còn khiêm tốn; thiếu một chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, với sự phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo hiện nay một mặt giúp người làm xuất bản rút ngắn được một vài công đoạn, mặt khác buộc họ phải định nghĩa lại công việc mình đang làm.
Theo ông Lâm, thời gian đọc của người Việt Nam rất nhiều nhưng đa phần chỉ đọc trên điện thoại. Vì thế, xu hướng mà Bộ Thông tin và Truyền thông tin rằng sẽ phát triển, đó là sách tinh gọn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị ngành xuất bản trong thời gian tới tập trung đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản mới thay thế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.
“Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành từ nay đến cuối năm, đề nghị các cơ quan và toàn ngành cần phối hợp chặt chẽ, tổ chức đánh giá, tổng kết theo kế hoạch đã ban hành của Ban Tuyên giáo Trung ương", ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các nhà xuất bản cần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung triển khai kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để phục vụ tuyên truyền Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; tích cực triển khai các chương trình sách quốc gia, nhất là việc tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII ; Tạo ra các liên kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất bản và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.