Ứng dụng công nghệ tạo bước chuyển lớn trong xử lý hồ sơ đất đai ở Vĩnh Phúc

Từ tỷ lệ chậm, muộn trong xử lý hồ sơ đất đai ở Vĩnh Phúc ở mức hơn 70% (năm 2022), nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống với sự hỗ trợ của công nghệ, tỷ lệ này chỉ còn ở ngưỡng 5%.

Đây được xem là bước chuyển ngoạn mục trong bối cảnh khó khăn chung khi xử lý các hồ sơ liên quan đến đất đai.

Năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tam Dương và Bình Xuyên được xếp đầu bảng theo cách bất đắc dĩ khi tỉ lệ chậm muộn trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên đến 80%.

Con số 80% gần như phản ánh thực trạng tê liệt trong hoạt động của các Văn phòng đăng ký đất đai. Tỉ lệ chậm muộn này đồng nghĩa với việc, cứ 100 người dân đến làm thủ tục thì có đến 80 người phải chờ đợi thêm nhiều ngày để hoàn tất thủ tục hành chính.

Thực trạng trên diễn ra trong bối cảnh, cứ mỗi tháng, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc và các chi nhánh cấp huyện tiếp nhận hơn một vạn hồ sơ.

Thống kê cho thấy, trong 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2021 chỉ số cải cách hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường xếp cuối bảng (với 81,45 điểm).

Trụ sở Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đoàn Bổng

Trụ sở Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đoàn Bổng

Nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức – mục tiêu đầu tiên mà ông Nguyễn Kim Tuấn đặt ra đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân.

Hàng chục cuộc họp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Có hai yếu tố được dồn sức tối đa là yếu tố con người và đẩy mạnh công nghệ.

Giữ kỷ cương công vụ

Nhận diện việc để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính có nguyên nhân chính từ thực thi công vụ của cán bộ - Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc tập trung siết chặt kỷ cương, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị.

Điển hình trong số đó là việc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Kim Tuấn ban hành hàng loạt quyết định, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh Văn phòng các huyện, thành phố.

Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc Nguyễn Kim Tuấn.

Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc Nguyễn Kim Tuấn.

Quy chế làm việc của đội ngũ cán bộ văn phòng đăng ký đất đai cũng được ban hành chi tiết từng nhiệm vụ, từng cán bộ. Để đẩy nhanh hơn quá trình giải quyết thủ tục hành chính, Sở Tài nguyên phối hợp với Cục thuế tỉnh ban hành quy chế phối hợp, trao đổi thông tin, luân chuyển hồ sơ theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của cá nhân, hộ gia đình giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai áp dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 4 tổ kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh mọi mặt hoạt động, công tác tại 9 Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ trên địa bàn tỉnh. Hạn chế tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, quá hạn.

Với việc siết chặt kỷ cương, trong năm 2022, Giám đốc Sở đã chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai kiểm điểm và xử lý bằng hình thức kiểm điểm và đánh giá trực tiếp vào kết quả đánh giá cán bộ, viên chức và người lao động năm đối với 15/242 cán bộ, viên chức và người lao động.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung ứng dụng công nghệ để đưa các thủ tục hành chính lên nền tảng số.

Một trong số đó là triển khai cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh giúp hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Vĩnh Phúc nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành, tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, Sở phối hợp với các đơn vị từ Trung ương triển khai phần mềm VBDLIS xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu.

Từ việc vận hành phần mầm VBDLIS, các đơn vị Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết nối với dịch vụ công quốc gia và kết nối điện tử với Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Công việc tại Văn phòng có hôm làm đến đêm muộn để phục vụ người dân tốt nhất. Ảnh: Đoàn Bổng

Ông Nguyễn Duy Hưng - Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Công việc tại Văn phòng có hôm làm đến đêm muộn để phục vụ người dân tốt nhất. Ảnh: Đoàn Bổng

Phần mềm trên đã thực hiện việc kết nối phần mềm một cửa điện tử với phần mềm VBDLIS nhằm thực hiện công tác Liên thông trao đổi thông tin Biên nhận hồ sơ, tiến độ giải quyết hồ sơ, kết quả xử lý hồ sơ… Đồng thời, phần mềm còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tra cứu trực tuyến thông tin xử lý hồ sơ qua số biên nhận.

Đối với Cục Thuế tỉnh, với việc liên thông dữ liệu, hiện nay 100% các phiếu chuyển và thông báo về nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình cá nhân về đất đai giữa Văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế được thực hiện bằng điện tử đảm bảo về thời gian, tiết kiệm chi phí và đảm bảo minh bạch trong việc xác định nghĩa vụ tài chính đất đai trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bước chuyển ngoạn mục

Với sự vào cuộc đồng bộ, kết quả giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ con số 80% tỷ lệ chậm muộn thời điểm đầu năm 2022, giảm còn 16,5% trong tháng 12/2022. Số liệu mới nhất từ Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 4/2023 cho thấy,tỉ lệ chậm, muộn ở ngưỡng dưới 5%.

Riêng với Chi nhánh huyện Tam Dương, từ mức chậm muộn đạt “đỉnh” 80%, nhưng đến nay con số này chỉ ở mức dưới 5% (tỉ lệ theo yêu cầu của Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường).

Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Kim Tuấn, ngoài bước chuyển về giải quyết thủ tục hành chính, tình trạng phân lô, bán nền cũng bị chặn đứng thông qua các văn bản chỉ đạo, điều hành. Ảnh: Đoàn Bổng

Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Kim Tuấn, ngoài bước chuyển về giải quyết thủ tục hành chính, tình trạng phân lô, bán nền cũng bị chặn đứng thông qua các văn bản chỉ đạo, điều hành. Ảnh: Đoàn Bổng

Điều đáng chú ý, việc kéo giảm tỉ lệ chậm, muộn ngoạn mục nêu trên lại được thực hiện bởi 4 nhân sự (cắt 50% so với năm 2022, tương ứng mỗi cán bộ hàng ngày giải quyết khoảng 30 hồ sơ).

Ông Nguyễn Kim Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bày tỏ: Con số không biết nói dối, kết quả này vừa là nguồn động lực khích lệ tập thể Sở và cũng là trọng trách nặng nề khi quyết tâm giữ vững nhịp độ công việc này.

“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, và việc giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số đã và đang mang lại những thay đổi tích cực”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đoàn Bổng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ung-dung-cong-nghe-tao-buoc-chuyen-lon-trong-xu-ly-ho-so-dat-dai-o-vinh-phuc-2153719.html