Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao công tác quản lý, dạy học cũng như Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là những chủ trương lớn được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị quan tâm triển khai.
Những kết quả nổi bật
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lộ Nguyễn Tiến Long cho biết, đến nay 100% các trường phổ thông và 2/11 trường mầm non trên địa bàn có phòng học tin học; 100% các trường có trang bị máy tính phục vụ công tác quản lý, văn phòng có kết nối internet tốc độ cao. Trên 85% số phòng học toàn huyện có trang bị màn hình ti vi cỡ lớn để phục vụ công tác dạy học. Nhiều giáo viên đã tự trang bị máy tính xách tay để phục vụ công tác soạn giảng.
24/24 đơn vị trường học đều có Cổng thông tin điện tử được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Nhiều trường học triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, nổi bật trong quản lý và dạy học như Trường THCS Trần Hưng Đạo, TH&THCS Cam Thủy...
Với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh ứng dụng CNTT để thực hiện chuyển đổi số nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lộ tiếp tục tìm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT (nâng cấp đường truyền internet, mạng wifi); mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại tại các phòng học bộ môn (đặc biệt là phòng đa chức năng, phòng Tin học, phòng tiếng Anh) và các phòng khối Hành chính, quản trị; trang bị ti vi thông minh tại các lớp học.
Một tiết dạy học môn Vật lý lớp 11 của cô Lê Thị Hoanh, Trường THPT Chu Văn An, huyện Triệu Phong ứng dụng CNTT vào bài giảng làm cho không khí học tập sôi nổi, hào hứng. Cô giáo đã sử dụng phiếu tương tác học tập thiết kế trên nền tảng wordwall dùng cho hoạt động khởi động chủ đề học tập và hoạt động vận dụng kiến thức đã học vào thực tế với các mẫu: đố vui, nối từ, tìm đáp án đúng, mở hộp. Học sinh dùng điện thoại thông minh để tương tác.
Cô Hoanh cho biết, phiếu tương tác học tập là sản phẩm thiết bị dạy học số do cô tự làm là 1 trong 8 sản phẩm của tỉnh vừa được gửi ra Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thi toàn quốc. Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Lê Văn Hòa cho biết, ứng dụng CNTT để tạo ra được bài giảng hấp dẫn, trực quan, sinh động hơn đã thúc đẩy mỗi giáo viên nhà trường luôn cố gắng học hỏi, rèn luyện nâng cao trình độ tin học. Xác định đội ngũ cán bộ, giáo viên có vai trò quyết định sự thành bại của việc ứng dụng CNTT trong công tác, vì vậy, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và quy trình triển khai thực hiện bồi dưỡng đội ngũ về tin học.
Kết quả, 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường đều có thể sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm liên quan để ứng dụng vào lĩnh vực công tác. Hiện nay, cơ sở vật chất của nhà trường được trang bị đầy đủ và khá hiện đại nên việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và dạy học đã mở ra những triển vọng lớn trong việc đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học.
Nhờ chú trọng ứng dụng CNTT, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về quản lý và giáo dục. Đặc biệt là sau hơn 2 năm ảnh hưởng của COVID-19, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động giáo dục đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Sở đã tổ chức thành công kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 8 bằng hình thức trực tuyến đối với môn Toán và tiếng Anh; triển khai việc đăng ký dự tuyển trực tuyến vào lớp 10 năm học 2022- 2023 đối với 100% thí sinh; triển khai bằng hình thức trực tuyến cho 100% học sinh đang học lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Cùng với đó, Sở đã tổ chức 10 đợt tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm hỗ trợ công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn toàn tỉnh với 712 công chức, viên chức tham gia; 3 lớp tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm xét tốt nghiệp THCS, khảo sát học sinh lớp 8, tuyển sinh lớp 10 với hơn 500 công chức, viên chức tham gia. Tiếp tục khai thác có hiệu quả 15 phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục.
Năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị được đánh giá đạt 87,55/98 điểm, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, xếp vị trí thứ nhất trong 20 sở, ban, ngành cấp tỉnh. Có được kết quả này một phần nhờ chú trọng ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và dạy học.
Tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương, từ kết quả đã đạt được, Sở tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương, triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và dạy học. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 35/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Sở đã tổ chức hội nghị chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo với hơn 1.100 cán bộ quản lý, công chức, viên chức tham gia.
Rà soát, thống kê các số liệu về hạ tầng CNTT tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh làm căn cứ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai thực hiện, Sở đã phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đến toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học trong toàn ngành và xã hội.
Tiếp tục xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; khuyến khích việc khai thác dữ liệu, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ của ngành bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số.
Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục; triển khai hệ thống bồi dưỡng giáo viên đảm bảo 100% có hồ sơ và tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng một cách chủ động, thường xuyên theo nhu cầu. Rà soát và ban hành các quy định kỹ thuật về dữ liệu, hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, cơ quan trong ngành giáo dục và ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thư viện điện tử trong các cơ sở giáo dục phổ thông; tăng cường kiểm tra, thi trên máy tính và thi trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường và mạng IoT.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT nâng cao công tác quản lý và dạy học, ngành vẫn còn gặp không ít khó khăn. Kinh phí đầu tư cho phát triển ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều trường học chưa đáp ứng, không đồng bộ để triển khai dạy học trực tuyến qua internet; đa số học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa và một bộ phận học sinh, giáo viên ở vùng thuận lợi thiếu thiết bị dạy học qua mạng. Vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị mong muốn tỉnh và các tổ chức xã hội quan tâm đầu tư về CNTT giúp ngành thực hiện có hiệu quả hơn nữa chủ trương lớn và có ý nghĩa này.