Ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ thúc đẩy công tác CCHC của Hà Nội
Việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành của Thành phố và trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp mang lại hiệu quả rõ nét, là công cụ, đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác CCHC của Thành phố.
Thành ủy Hà Nội vừa tổng kết thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.
Qua hơn 3 năm tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU cho thấy, công tác CCHC của Thành phố đã được triển khai đầy đủ, toàn diện trên tất cả các nội dung và CCHC thực sự là khâu đột phá, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trong đó, việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành của Thành phố và trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp mang lại hiệu quả rõ nét, là công cụ, đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác CCHC của Thành phố.
Từ Quý IV/2015, Thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính quyền điện tử cần tập trung triển khai tốt DVC TT phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để phù hợp với điều kiện chung, thành phố đã quyết định tổ chức triển khai dịch vụ công trực tuyến từng giai đoạn, chọn các đơn vị làm thí điểm, sau đó nhân rộng, ưu tiên các lĩnh vực thuận lợi trong triển khai, nhiều người sử dụng, đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Trong giai đoạn đầu, kể từ ngày 1/3/2016, trên kết quả triển khai thí điểm của 24 phường thuộc 02 quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Thành phố đã công bố rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn biết sử dụng các dịch vụ về chứng thực, khai sinh, khai tử. Đồng thời, tiến hành lắp đặt mạng diện rộng, đào tạo sử dụng phần mềm và hướng dẫn hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, mở rộng ra 144 phường thuộc 10 quận (tháng 8/2016), các xã thuộc 12 huyện còn lại.
Ngày 31-7-2016, chính thức khai trương Cổng dịch vụ công Thành phố với 7 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp, từ năm 2017, tiếp tục triển khai mở rộng các DVCTT tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công Thành phố kết nối Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp Thành phố thành hệ thống thống nhất, dùng chung cho 22 Sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.
Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 03 cấp đã giúp cho công tác quản lý, theo dõi và đánh giá định kỳ, đột xuất kết quả giải quyết TTHC các cấp, các ngành trong Thành phố thuận lợi, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện quy định hiện hành giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị.
Tính đến nay, toàn Thành phố có 1.448 DVC TT mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 80%, trong đó: 1.209 DVC mức độ 3 và 239 DVCTT mức độ 4). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử Thành phố đạt hơn 2,2 triệu hồ sơ.
Riêng thủ tục liên thông đăng ký khai sinh đang vận hành trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung đạt tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 74%. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống.
Theo Nghị quyết của HĐND Thành phố, nâng chỉ tiêu DVC TT mức độ 3, 4 đạt 100% trong năm 2019. Thành phố đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc triển khai 100% TTHC đủ điều kiện cung ứng DVC TT mức độ 3, 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thành phố cũng hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%); hoàn thành kết nối hoạt động mạng tin học UBND Thành phố với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, thực hiện liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến Thành phố; đảm bảo duy trì mạng thông tin điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố phục vụ chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo UBND Thành phố.
Đến nay, về cơ bản, 584 xã, phường, thị trấn được trang bị máy tính, máy in, máy quét để triển khai DVC TT mức độ 3, 4. 100% Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. 96% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).
Thành phố Hà Nội cũng ứng dụng chữ ký số trong Hệ thống quản lý văn bản điều hành phục vụ giao dịch hành chính điện tử giữa các cơ quan trong Thành phố. 100% cán bộ, công chức tại các cơ quan của Thành phố được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc. Đồng thời cấp hỗ trợ hộp thư điện tử công vụ đối với 100% cán bộ, công chức tại các cơ quan Đảng các cấp của Thành phố.
Kể từ ngày 3/6/2019, UBND Thành phố đã thông báo chính thức thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử (không gửi giấy) với Văn phòng Chính phủ, Bộ ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia và kể từ ngày 15/6/2019, toàn bộ các cơ quan, đơn vị trong Thành phố sử dụng hoàn toàn chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong gửi, nhận văn bản điện tử (không gửi giấy) trong giao dịch hành chính điện tử của Thành phố.
Với chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước. Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng. Đồng thời, là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội và Công an Thành phố trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu dân cư…
Trong thời gian tới thành phố xác định tiếp tục đầu tư hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, coi đây là giải pháp đột phá để hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, là cơ sở để tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính các cấp.