Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả tuần tra, bảo vệ rừng

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng các phần mềm chuyên ngành và hệ thống định vị GPS thông qua việc ứng dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART).

Hoạt động góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, theo dõi, giám sát đa dạng sinh học, giúp lực lượng chuyên trách nâng cao hiệu quả trong việc tuần tra, bảo vệ rừng.

Cán bộ vườn Quốc gia Xuân Sơn cùng người dân xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, đi kiểm tra thực địa về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Cán bộ vườn Quốc gia Xuân Sơn cùng người dân xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, đi kiểm tra thực địa về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy trình sử dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Bên cạnh đó, dưới sự hỗ trợ của Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đã tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của các vườn quốc gia, khu bảo tồn trong cả nước về triển khai ứng dụng thông qua thiết bị di động, máy định vị cầm tay và hệ thống máy tính chủ.

Theo đó, từ năm 2022, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã triển khai ứng dụng SMART với phiên bản nâng cấp SMART6.3.0. Sau thời gian triển khai, kết quả cho thấy đây là một công cụ hữu hiệu, mang lại nhiều lợi ích cho Vườn trong việc quản lý, chỉ đạo công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học một cách hiệu quả.

Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn Trần Ngọc Cường chia sẻ, trước đây, việc thu thập dữ liệu tuần tra được thực hiện thông qua các công cụ như máy định vị GPS cầm tay, phiếu, biểu giấy và máy ảnh, sau đó được nhập thủ công vào máy tính. Việc thu thập, nhập thông tin, báo cáo kết quả tuần tra, giám sát trên hiện trường tốn nhiều thời gian, phát sinh nhiều rủi ro khi quản lý phiếu, lỗi khi ghi chép hoặc khi nhập dữ liệu, đặc biệt là khi số phiếu, biểu giấy nhiều.

Từ khi sử dụng SMART Mobile, việc thu thập thông tin, dữ liệu hiện trường dễ dàng, nhanh chóng, chính xác hơn vì có mô hình dữ liệu mẫu được thiết lập sẵn với nhiều trường thông tin khác nhau để thu thập các dữ liệu cần thiết trên thực địa. Ngoài ra, SMART Mobile còn được tích hợp sẵn bản đồ vệ tinh và bản đồ nền của Vườn, kèm theo các tính năng khác như định vị, xác định góc phương vị, độ cao so với mực nước biển, tốc độ di chuyển, tính năng đính kèm hình ảnh tại vị trí ghi nhận thông tin trên thực địa.

Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn đánh giá, công cụ SMART là một ứng dụng hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực việc quản lý, giám sát thực thi nhiệm vụ của cán bộ trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học. Từ đó có hướng chỉ đạo kịp thời nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Toàn Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-nang-cao-hieu-qua-tuan-tra-bao-ve-rung-20240514093737099.htm