Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính ở Hà Nội: Thuận lợi, tiện ích, người dân hài lòng

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, đầu tư thích đáng, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ở Hà Nội. Người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính ngay tại nhà với thời gian nhanh nhất, giảm thời gian đi lại, chi phí…

Cán bộ UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân xử lý các hồ sơ hành chính trực tuyến

Cán bộ UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân xử lý các hồ sơ hành chính trực tuyến

Đem lại nhiều lợi ích cho người dân

Năm 2018, UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) đã tiếp nhận xử lý đúng hạn 2.314 hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng. Quý I năm 2019, phường đã có gần 500 hồ sơ được giải quyết qua môi trường internet. Trước đó, khi chưa áp dụng hình thức trực tuyến, con số hồ sơ được giải quyết không quá 1/3 kết quả trên. Đáng chú ý, người dân đều cảm thấy hài lòng và không có khiếu nại…

Từ tháng 8-2015, UBND phường Hạ Đình UBND phường Hạ Đình đã đề xuất quận Thanh Xuân đầu tư thực hiện thí điểm mô hình “Khu dân cư, tổ dân phố điện tử”. Tại các khu chung cư đông dân, luôn có các tình nguyện viên với máy tính được nối mạng và cài đặt phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 của TP. Người dân được hướng dẫn cách làm các thủ tục hành chính trực tuyến ngay tại nhà.

Ông Trần Văn Thắng (Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, phường Hạ Đình) cho biết, nhờ mô hình “Khu dân cư, tổ dân phố điện tử”, nhiều người dân từ già đến trẻ đã được tiếp cận, làm quen với các thủ tục hành chính trực tuyến. Sau một năm, hầu hết gia đình nào cũng có người có thể khai báo các thủ tục trực tuyến.

“Khó nhất là người cao tuổi bởi tâm lý ngại tìm hiểu công nghệ. Nhưng dần dần, ai cũng thấy tiện lợi, phần mềm cũng thân thiện, dễ sử dụng, người dân không phải đi lại nhiều. Đến nay, các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 chúng tôi đều nắm và có thể thực hiện trực tuyến. Điển hình như thực hiện đăng ký khai sinh, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký khai tử đều thực hiện đăng ký thủ tục qua mạng internet và được trả kết quả tại nhà”, ông Thắng cho biết.

Do công việc, ông Bùi Văn Hiếu (trú tại phường Giang Biên, quận Long Biên) thường xuyên phải ra UBND phường làm thủ tục chứng thực. Ông Hiếu đánh giá việc áp dụng mô hình “một cửa” và “một cửa liên thông” gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã tạo ra môi trường giao tiếp, làm việc chuyên nghiệp, đem lại sự hài lòng cao nhất cho người dân.

“Thời đại 4.0, rất đơn giản để vào các ứng dụng dùng chung của chính quyền, các thông tin, quy trình và cả nơi tiếp nhận phản ánh của người dân đều có trên cổng thông tin điện tử của phường quận. Đó không chỉ mang lại tiện lợi mà còn là môi trường minh bạch, hạn chế được tiêu cực”, ông Hiếu đánh giá.

Người dân đã quen và có thể đăng ký nhiều thủ tục hành chính trực tuyến ngay ở nhà mình

Người dân đã quen và có thể đăng ký nhiều thủ tục hành chính trực tuyến ngay ở nhà mình

Hiệu quả từ nền tảng CNTT

Anh Trần Lam Sơn (cựu sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông) - người từng tham gia làm tình nguyện viên cho mô hình khu dân cư điện tử ở phường Hạ Đình chia sẻ: “Tôi thấy hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội khá tiện ích. Phần mềm sử dụng là cơ bản, quản lý chung vẫn là của chính quyền và có nhiều lớp giám sát. Phần mềm chỉ là một phần, cơ sở dữ liệu thì Nhà nước vẫn quản lý và được bảo mật theo từng cấp nên cũng không lo về việc lọt lộ thông tin cũng như phụ thuộc vào đơn vị viết phần mềm. Đây là xu hướng chung của thế giới”.

Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình, bà Trần Thị Nhiên cho hay, cải cách hành chính hiện đại cần dựa trên nền tảng của việc sử dụng CNTT. Việc xây dựng chính quyền điện tử nói chung, hay hệ thống quận, huyện điện tử là một trong những yêu cầu cấp thiết.

Một trong những vấn đề quan trọng là xây dựng phần mềm xử lý hồ sơ chuyên môn bằng điện tử. Quy trình tác nghiệp, hồ sơ của dân được thông qua hệ thống điện tử để tiếp nhận, luân chuyển, trả hồ sơ.

Phần mềm của TP được xây dựng thống nhất, tránh được tình trạng mỗi nơi một phần mềm trước đây và đến nay đã liên thông toàn thành phố nên mọi thủ tục đều rất đơn giản nhanh chóng, tránh tiêu cực với một số lĩnh vực nhạy cảm.

Hiện nay, quan trọng nhất vẫn là ứng dụng CNTT trong tác nghiệp hồ sơ của cán bộ công chức cho dân. Ngoài nhiệm vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử đang sử dụng hiện nay bằng phần mềm mới, nhiều ứng dụng... Hiện đại hơn, phần mềm này kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của TP, sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ tác nghiệp thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính cho tổ chức công dân, đồng thời qua tác nghiệp, sẽ bổ sung thông tin công dân, tổ chức vào cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất của TP...

Bà Nhiên cho biết, với thế mạnh công nghệ thông tin hiện nay của Hà Nội, không chỉ Hạ Đình mà nhiều phường, xã, quận huyện đều mong mỏi sắp tới các kiến nghị của Hà Nội về vướng mắc trong phí thanh toán dịch vụ công qua các nhà mạng, ngân hàng còn quá cao sẽ được giải quyết.

“Đa số các dịch vụ công có thể chuyển sang trực tuyến cấp độ 4. Người dân, doanh nghiệp sẽ hạn chế được thấp nhất thời gian đi lại khi làm các thủ tục. Chính quyền cũng sẽ quản lý, giám sát tốt hơn”, bà Nhiên bày tỏ.

Kiểm soát hồ sơ dễ dàng, không để xảy ra giải quyết chậm, muộn

Theo Phó Chánh Văn phòng HĐND & UBND quận Thanh Xuân Dương Đức Hiền, trong quý I-2019, UBND quận Thanh Xuân đã tiếp nhận 2.081 hồ sơ thủ tục hành chính; không để một hồ sơ nào chậm muộn, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 100%. Tại 11 phường trực thuộc, đã tiếp nhận 10.657 hồ sơ, cũng đều giải quyết đúng hạn, không để một hồ sơ nào chậm muộn.

Đáng chú ý, toàn quận đã giải quyết được 3.108 hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 (trong đó, cấp quận giải quyết 642 hồ sơ; cấp phường 2.466 hồ sơ).

Cùng với việc tổ chức thực hiện phần mềm dùng chung, UBND quận đã nhanh chóng lập, khởi tạo các tài khoản cho các đơn vị; đồng thời hướng dẫn, cập nhật thường xuyên những thắc mắc của các đơn vị để kịp thời xử lý.

Trong quá trình thực hiện, quận đã phân công cán bộ công nghệ thông tin theo dõi, đồng hành, kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị; từ đó kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh giúp các đơn vị yên tâm trong quá trình vận hành, sử dụng phần mềm…

Đặc biệt, phần mềm điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố giúp quản lý, giám sát dễ dàng và chặt chẽ hơn rất nhiều.

“Với phần mềm này, người dân có thể dễ dàng tra cứu tình trạng của hồ sơ hành chính, đang ở đâu, đã được giải quyết ra sao. Ở góc độ quản lý, chúng tôi cũng có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ địa bàn, hồ sơ nào chậm muộn đều nắm bắt được ngay để có thể đôn đốc, nhắc nhở. Thông tin đảm bảo chính xác, trung thực, không ai có thể báo cáo sai được” – ông Dương Đức Hiền nói.

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cai-cach-hanh-chinh-o-ha-noi-thuan-loi-tien-ich-nguoi-dan-hai-long/810446.antd