Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho trâu
Xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang thực hiện mô hình 'Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu'.
Hiện tổng đàn trâu của tỉnh Tuyên Quang có gần 110.000 con, xếp thứ 6 so với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 8 so với đàn trâu các tỉnh của toàn quốc (các tỉnh có nhiều trâu). Để phát triển bền vững đàn trâu, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là triển khai có hiệu quả việc thụ tinh nhân tạo cho trâu, từ đó tạo nguồn giống chất lượng, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người chăn nuôi.
Ông Cẩm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết, chăn nuôi trâu đã được người dân trên địa bàn xã thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi trâu của người dân trên địa bàn xã đã có nhiều thay đổi. Trước đây, người dân chăn nuôi trâu chủ yếu để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, nay đã chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cung cấp trâu giống, trâu thương phẩm.
Xã có gần 2.000 hộ dân, trong đó gần 70% là dân tộc Tày. Hiện xã có khoảng 600 hộ dân nuôi trâu với tổng số gần 700 con. Để nâng cao chất lượng trâu giống, năm 2018, xã Yên Nguyên được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang chọn thực hiện thí điểm mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu”. Toàn xã có 50 hộ dân tham gia mô hình, đến thời điểm này đã tiến hành thụ tinh nhân tạo được 70 con trâu, trong đó đã có 13 sinh sản.
Kết quả bước đầu cho thấy, việc thụ tinh nhân tạo cho trâu đã giúp cải thiện chất lượng trâu giống, con nghé sinh ra có trọng lượng lớn hơn, đặc biệt người dân đã có ý thức hơn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…
Bà Nguyễn Thị Lịch, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên chia sẻ, gia đình bà có 1 trâu cái được thụ tinh nhân tạo và hiện đã sinh sản. Nghé được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo có trọng lượng lớn hơn, trung bình từ 30 - 40 kg/con (to hơn nghé được phối giống tự nhiên từ 10 - 15 kg); nghé khỏe hơn, sức đề kháng tốt hơn, lớn nhanh hơn…
Là người uy tín ở xã Yên Nguyên, ông Nông Thanh Thầm, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Trú cho biết, vì có kinh nghiệm hàng chục năm nuôi trâu nên ông được chính quyền địa phương tin tưởng giao trách nhiệm phối hợp với cán bộ thú y xã vận động, tập huấn cho các hộ dân tham gia mô hình. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các hộ dân tham gia mô hình rất phấn khởi, vì thụ tinh nhân tạo nghé sinh ra to, khỏe, không bị lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường phối giống tự nhiên.
Đến nay, ngoài các hộ dân đăng ký năm 2018, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng chủ động, mạnh dạn áp dụng thụ tinh nhân tạo cho trâu.
Với nhiều ưu điểm, thụ tinh nhân tạo cho trâu đang được nhân rộng ra các huyện, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, bao gồm: Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương. Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 170 con trâu được thực hiện sinh sản theo phương pháp thụ tinh nhân tạo; trong đó có gần 100 con thụ thai, 70 nghé sơ sinh đã ra đời thành công.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang là tỉnh miền núi với điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó có con trâu. Trâu ở Tuyên Quang có tầm vóc to, khối lượng lớn được các nhà khoa học đánh giá là một trong những loại trâu tốt của các tỉnh miền Bắc và của cả nước.
Tuy nhiên, trong những năm qua việc bình tuyển, chọn lọc hàng năm đối với đàn trâu đực giống không được thực hiện thường xuyên; việc phục tráng, xử lý các bệnh về sinh sản đối với đàn trâu cái chưa được quan tâm, tỷ lệ sinh sản của trâu cái thấp; hiện tượng giao phối đồng huyết, cận huyết khá phổ biến… dẫn đến hiệu quả thấp trong chăn nuôi trâu.
Do đó, để tạo bước đột phá trong chăn nuôi trâu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Viện Chăn nuôi thực hiện mô hình "Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sau hơn 1 năm triển khai đến nay mô hình đã mang lại kết quả khả quan.
Ông Thành cũng cho biết thêm, nhằm phát triển chăn nuôi trâu theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2025.
Theo đó, thời gian tới, Sở (đơn vị chủ trì) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành bình tuyển, phục tráng, chọn lọc và nhân thuần giống trâu tại các huyện có giống trâu tốt (trâu Ngố) gồm: Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương; khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân xây dựng các khu chăn nuôi tập trung kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý và kiểm soát chất thải để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ: Ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi trâu như: Công nghệ sinh học, công nghệ chẩn đoán phòng trừ dịch bệnh; công nghệ chế biến bảo quản, công nghệ xử lý môi trường; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, để phát triển chăn nuôi trâu đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường; sử dụng có hiệu quả các nguồn thức ăn sẵn có của địa phương, đồng thời chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho chăn nuôi trâu…
Tuyên Quang hiện có gần 150.000 con trâu, bò, trong đó tổng đàn trâu là gần 110.000 con. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, sẽ cho sinh sản thêm khoảng 16.000 con nghé có chất lượng bằng mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu”; qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người chăn nuôi.