Ứng dụng công nghệ trong bảo quản lương thực dự trữ quốc gia
Việc phát triển công nghệ bảo quản, đặc biệt là công nghệ bảo quản lương thực là nhiệm vụ trọng tâm, giữ vai trò then chốt, quyết định sự thành công trong hoạt động của ngành Dự trữ nhà nước (DTNN). Trong thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước từng bước đưa công nghệ tiên tiến vào công tác bảo quản, nâng cao công tác giữ gìn chất lượng hàng dự trữ quốc gia.
Những đổi mới về công nghệ bảo quản
Theo ông Đỗ Đình Cẩn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ bảo quản (Tổng cục Dự trữ Nhà nước), với mục tiêu hiện thực hóa khoa học và công nghệ trong Chiến lược dự trữ quốc gia (DTQG) là từng bước đưa công nghệ tiên tiến vào bảo quản hàng DTQG, không ngừng nâng cao công tác giữ gìn chất lượng hàng DTQG trong quá trình lưu kho; cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất, bảo quản, kéo dài hơn thời hạn bảo quản, giảm tỷ lệ hao hụt tự nhiên và cải thiện điều kiện môi trường bảo quản.
Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước nói chung, của ngành Dự trữ nói riêng và với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật đã tạo ra nhiều bước đổi mới về công nghệ bảo quản lương thực DTQG. Chẳng hạn như quá trình bảo quản thóc DTQG, trước năm 2005 ngành DTNN chủ yếu bảo quản theo phương pháp thông thoáng tự nhiên. Tại miền Nam bảo quản đóng bao, đối với miền Trung, miền Bắc bảo quản đổ rời. Ưu điểm của phương pháp này là thuận lợi trong quá trình thực hiện, chi phí thấp và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn này.
Với việc học tập và áp dụng công nghệ bảo quản kín của BULOG, ngành DTNN đã tiến hành một số thử nghiệm, từng bước nghiên cứu để triển khai áp dụng một cách phù hợp với đặc điểm, điều kiện về kho tàng, vật tư trang thiết bị và trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ, công chức dự trữ trực tiếp làm công tác bảo quản hàng DTQG. Khởi đầu là DTQG khu vực Đông Bắc (nay là Cục DTNN khu vực Đông Bắc) đã triển khai thử nghiệm thành công công nghệ bảo quản trong môi trường kín, áp suất thấp đối với thóc đổ rời.
Áp dụng phương pháp bảo quản này ức chế quá trình hô hấp của hạt, sự phát triển côn trùng khi khối hạt bọc kín màng PVC và hút khí duy trì áp suất âm. Tiếp đó, Tổng cục DTNN đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về DTQG đối với thóc bảo quản đổ rời trong điều kiện áp suất thấp (QCVN 1:2008/BTC).
Bước ngoặt trong bảo quản hàng dự trữ
Từ những kết quả đạt được, Tổng cục DTNN đã hoàn thiện các văn bản quy định về quy trình, quy phạm bảo quản trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc DTQG. Trong đó quy định phương pháp bảo quản thóc DTQG là đổ rời hoặc đóng bao trong điều kiện áp suất thấp, loại bỏ hoàn toàn phương pháp bảo quản thoáng tự nhiên. Trong quá trình thực hiện phương thức bảo quản đóng bao có nhiều ưu điểm nên đã được các đơn vị áp dụng phổ biến, nhiều hơn phương thức đổ rời, thời hạn lưu kho bảo quản kéo dài từ 18 tháng đối với thóc bảo quản thoáng đã lên đến 30 tháng khi bảo quản trong điều kiện áp suất thấp.
Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương pháp bảo quản kín nhằm tìm kiếm phương pháp bảo quản tối ưu, thân thiện với môi trường đáp ứng được mục tiêu kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao chất lượng thóc DTQG, giảm hao hụt thóc khi xuất kho, một số đề tài đã nghiên cứu thử nghiệm sử dụng chất khử oxy để xác định nồng độ oxy trong lô thóc ở khoảng thích hợp đối với bảo quản thóc đồng thời tạo môi trường không khí nghèo oxy, giảm cường độ hô hấp của khối hạt về mức thấp nhất để duy trì chất lượng của hạt. Nồng độ oxy được xác định ở mức 2% là nồng độ thích hợp nhất trong bảo quản thóc.
Tiếp nối những nghiên cứu trên, cán bộ, công chức Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản đã bảo vệ thành công đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu bảo quản thóc DTQG đóng bao trong môi trường khí N2, thời gian bảo quản 36 tháng tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong bảo quản thóc DTQG”. Tổng cục DTNN đã xây dựng, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với mặt hàng thóc tẻ DTQG để Bộ Tài chính ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc tẻ DTQG.
Đối với gạo, Cục Dự trữ quốc gia (nay là Tổng cục DTNN) bắt đầu triển khai nghiên cứu, áp dụng đề tài “Bảo quản gạo dự trữ trong môi trường kín, có bổ sung khí CO2”. Tiếp đó, đề tài được chuyển thành chương trình cấp Nhà nước về bảo quản lương thực dự trữ và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đạt loại giỏi. Đề tài được giải thưởng công nghệ VIFOTEC.
Đến nay, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo DTQG được ban hành đã chuyển đổi hoàn toàn sang phương thức bảo quản kín trong điều kiện bổ sung khí N2 ≥ 98% (chỉ bảo quản áp suất thấp đối với lô xuất chưa hết mà thời gian bảo quản dưới 2 tháng), thời hạn bảo quản gạo tăng từ 15 tháng lên đến 18 tháng (nếu tỷ lệ hạt vàng ≤ 0,8%).
Để chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, từ đặc điểm hoạt động của ngành, ngành DTNN hướng đến tiếp cận, khai thác trên 2 khía cạnh lớn là công nghệ số internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo tự động hóa.
Tự động hóa các khâu trong quy trình nghiệp vụ bảo quản hàng dự trữ
Để nâng cao chất lượng bảo quản hàng dự trữ quốc gia (DTQG) tại các điểm kho dự trữ, trong giai đoạn 2020 - 2030, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp để từng bước tiến hành tự động hóa các khâu trong quy trình nghiệp vụ bảo quản hàng DTQG.