Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý: Lấp khoảng trống giáo viên
Những năm qua, ngành GD-ĐT Yên Bái luôn chú trọng triển khai chuyển đổi số đến các đơn vị trường học, cán bộ quản lý, giáo viên...
Việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trực tuyến đã phần nào giảm áp lực do tình trạng thiếu giáo viên gây ra ở địa phương.
Cụ thể hóa chuyển đổi số
Các trường trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học. 10.520 giáo viên (chiếm 98,4%) đã thực hiện chuyển đổi số để đổi mới phương pháp dạy học. Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học môn Tin học được quan tâm.
Cụ thể: 190 trường có đủ phòng máy tính theo quy định để tổ chức dạy học (đạt 72%). 100% trường học có mạng Internet cáp quang phục vụ quản lý, giảng dạy. Nhiều trường có từ 2 - 4 đường truyền (trong đó 1 đường truyền miễn phí theo chương trình dịch vụ viễn thông công ích).
Mù Cang Chải - huyện khó khăn của tỉnh Yên Bái nhờ thực hiện nghiêm chuyển đổi số đã mang lại những kết quả ấn tượng. Trong đó, 100% trường phổ thông và giáo dục mầm non áp dụng hiệu quả hệ thống quản trị nhà trường VnEdu. Năm học 2023 - 2024 có 16/16 đơn vị trường tiểu học thực hiện học bạ số. Năm học 2024 - 2025, tiếp tục triển khai học bạ số đến 100% các trường THCS trong huyện.
Ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng GD&ĐT Mù Cang Chải thông tin: Việc xử lý hồ sơ công việc tại các cơ sở giáo dục được thực hiện trên môi trường số (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 100% đơn vị sử dụng phần mềm Voffice và chữ ký số.
Các đơn vị cũng khai thác hiệu quả phần mềm quản lý cơ sở vật chất, sách, thiết bị, đảm bảo 80% thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục và quản lý bằng hồ sơ số. Có 37/37 trường hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm kho học liệu số trực tuyến trên hệ thống cổng thông tin điện tử nhà trường. Tất cả trường phổ thông có phòng Tin học phục vụ giảng dạy bộ môn.
Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học được chú trọng. Năm học 2023 - 2024, toàn ngành thực hiện trên 114.000 tiết dạy ứng dụng CNTT; dạy học theo hướng chuyển đổi số; 1.368 tiết học không biên giới; đăng tải 3.014 tin, bài, 953 đề thi mẫu lên cổng thông tin điện tử nhà trường và phòng GD&ĐT để xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn ngành.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Thủy, địa phương đang đẩy mạnh xây dựng “trường học số”, triển khai áp dụng công nghệ AI vào hoạt động giáo dục; áp dụng các hình thức dạy học trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến, dạy học liên cấp, liên trường phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đơn vị tiếp tục kiểm duyệt và triển khai sử dụng học liệu số, xây dựng kho học liệu số của ngành Giáo dục… nhằm rút ngắn quá trình đổi mới gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị về công tác chuyển đổi số.
Giải pháp cho “bài toán” thiếu giáo viên
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, ngành GD-ĐT Yên Bái đã đạt kết quả cao trong chuyển đổi số. Nhờ đó, năm học 2023 - 2024, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học của tỉnh được tạm thời giải quyết.
Trong năm học 2023 - 2024, có 203 thầy, cô giáo thuộc 122 trường của TP Hà Nội tham gia hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh cho 17 trường, 168 lớp thuộc 4 huyện (Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Lục Yên) với trên 2.100 tiết học. Sự chia sẻ đó góp phần mang lại kết quả đáng khích lệ trong học tập môn Tiếng Anh cấp THCS và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện, trường vùng cao, đặc biệt khó khăn của Yên Bái vẫn tiếp diễn. Giải pháp dạy học trực tuyến được ngành Giáo dục quan tâm thực hiện để đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Chia sẻ của ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng GD&ĐT Mù Cang Chải: “Năm học này, toàn huyện thiếu 20 giáo viên tiếng Anh. Dù có 10 giáo viên biệt phái được cử lên hỗ trợ, nhưng không lấp được khoảng trống thiếu giáo viên. Chính vì thế, nhiều trường học trên địa bàn đã kết hợp học trực tiếp với trực tuyến để giải bài toán này”.
Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải) có 25 lớp, 33 giáo viên, gồm cả giáo viên biệt phái. Theo định mức, trường thiếu 4 giáo viên. Tổ chức dạy học tiếng Anh có 15 lớp theo Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Yên Bái hỗ trợ 1 giáo viên tăng cường từ huyện Trấn Yên lên giảng dạy.
Tuy nhiên, theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền, dạy 15 lớp sẽ quá tải với giáo viên nên nhà trường tổ chức dạy trực tuyến cho khối lớp 3, 4 với số tiết trực tuyến 50%, 50% trực tiếp. Điều này giúp giáo viên vừa kiểm tra chất lượng tiết dạy trực tuyến vừa củng cố thêm kiến thức cho học sinh, đảm bảo hoàn thành chương trình.
Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang (Mù Cang Chải) cũng thiếu 3 giáo viên, trong đó có giáo viên tiếng Anh. Cô Phạm Thị Minh Hằng - Phó Hiệu trưởng thông tin: “Với 15 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên biệt phái hỗ trợ. Chính vì vậy, trường phải kết hợp dạy trực tiếp với trực tuyến. Hiện, trường có 5 lớp có hỗ trợ mic và bộ thiết bị theo tiêu chuẩn, còn lại sử dụng Zoom…
Nhờ việc tập huấn, hỗ trợ giáo viên kỹ năng ứng dụng CNTT thường xuyên của ngành Giáo dục, các thầy, cô giáo chủ nhiệm đã hỗ trợ tốt cho học sinh trong các tiết học trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Các em cũng tiếp thu bài giảng hiệu quả hơn trong môi trường trực tuyến khi không đủ giáo viên giảng dạy trực tiếp”.
Bà Nguyễn Chi Lý - cán bộ chuyên môn Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải chia sẻ: Dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến đối với môn Tiếng Anh là giải pháp trước mắt giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn. Các nhà trường dạy trực tuyến nội bộ để đảm bảo giáo viên bộ môn không quá tải. Tuy nhiên về chất lượng tiết học sẽ không tốt và bị ảnh hưởng bởi thiếu trang thiết bị phục vụ cho chương trình dạy trực tuyến.