Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý: Rút ngắn khoảng cách vùng miền

Nhiều trường học vùng khó đã tận dụng lợi thế kho học liệu điện tử, các ứng dụng dạy học, bồi dưỡng giáo viên trực tuyến...

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) học tại phòng Tin học. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) học tại phòng Tin học. Ảnh: NTCC

Gửi giáo án lên “đám mây”

Cứ hai ngày/lần, thầy Nguyễn Thanh Bão - Tổ trưởng tổ chuyên môn Khoa học tự nhiên, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) lại vào hệ thống VnEdu để duyệt kế hoạch bài dạy của giáo viên.

Dạy học môn Toán, nhưng do đặc thù của trường học vùng núi cao, mỗi môn chỉ có từ 1 đến 2 giáo viên nên các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Tin học, Thể dục, Công nghệ được xếp sinh hoạt cùng một tổ chuyên môn với tên gọi tổ Khoa học tự nhiên.

Theo quy định của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam, giáo viên gửi kế hoạch bài giảng lên hệ thống VnEdu để tổ chuyên môn và ban giám hiệu ký duyệt bằng chữ ký số trước 2 ngày so với phân công dạy học theo thời khóa biểu.

Thầy Bão cho biết, thời gian đầu khi triển khai duyệt kế hoạch bài dạy, trước đây gọi là giáo án trên hệ thống VnEdu, bản thân gặp không ít khó khăn. Số lượng kế hoạch bài dạy của mỗi lần duyệt nhiều.

Trong khi đó, tổ trưởng còn phải xem, duyệt những môn học không thuộc chuyên môn đào tạo của mình. Do vậy, người duyệt phải nghiên cứu cả kế hoạch dạy học của giáo viên để xem có đảm bảo được nội dung hay không, đúng với yêu cầu cần đạt của chương trình chưa…

Theo chia sẻ của thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam, nhà trường quy định nếu giáo viên nào bị trả kế hoạch bài dạy đến lần thứ 3 thì buộc phải quay lại sử dụng bản giấy.

“Giáo viên phải có thêm một bước in kế hoạch bài dạy, lưu trữ bằng hồ sơ giấy để phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá… Vì vậy, buộc giáo viên phải có sự đầu tư chỉn chu cho kế hoạch bài dạy, đảm bảo đúng thời hạn nộp”, thầy Chín cho biết.

Theo nhận xét của thầy giáo Nguyễn Thanh Bão, ít trường hợp kế hoạch bài dạy bị trả về để bổ sung, hoàn thiện. Thường những giáo viên mới ra trường sẽ có chút lúng túng, khó khăn khi chuẩn bị kế hoạch bài dạy. Ngoài việc tự bồi dưỡng, trong sinh hoạt tổ chuyên môn có nội dung hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên mới về soạn giảng, phương pháp sư phạm...

Với giáo viên gặp hạn chế về công nghệ thông tin, ban giám hiệu sẽ đảm nhận việc tập huấn, hướng dẫn để xử lý các tình huống trục trặc về mặt kỹ thuật do thao tác không đúng quy trình. “Thường, giáo viên hay quên chuyển từ file word sang file PDF trước khi tải dữ liệu lên hệ thống. Cũng có trường hợp hoàn thành các công đoạn rồi nhưng lại quên lưu và thoát ra ngoài nên việc tải kế hoạch bài dạy không thành công”, thầy Chín thông tin.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của Trường THCS Long Hiệp của huyện miền núi Minh Long (Quảng Ngãi) diễn ra mạnh mẽ từ khi được đầu tư phòng Tin học với 36 máy tính kết nối Internet. Giáo viên thực hiện kế hoạch bài dạy và gửi file đến hệ thống nội bộ của nhà trường rồi ký số. Tổ chuyên môn và ban giám hiệu thực hiện ký duyệt trên hệ thống này.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Hiệp (Minh Long, Quảng Ngãi) đều thực hiện kế hoạch bài dạy bằng điện tử, giảng dạy trên môi trường số.

Đây cũng là một trong số ít trường học thuộc các huyện miền núi triển khai số hóa và quản lý hồ sơ điện tử, hồ sơ chuyên môn có tích hợp chữ ký số. Riêng cấp THCS, trường đã thực hiện Sổ theo dõi và đánh giá học sinh có chữ ký số, giúp việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập và rèn luyện của học sinh được minh bạch, kịp thời, chính xác.

 Hội đồng sư phạm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam tập huấn khai thác ứng dụng CNTT trong quản trị trường học. Ảnh: NTCC

Hội đồng sư phạm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam tập huấn khai thác ứng dụng CNTT trong quản trị trường học. Ảnh: NTCC

Giáo viên tự học online

Cô Tu Rê Diệu Thu - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) chia sẻ: “Ngoài lớp bồi dưỡng thường xuyên do Sở GD&ĐT Quảng Trị phối hợp với trường đại học tổ chức theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, chúng tôi còn tham gia nhiều lớp học về phương pháp dạy học, hội thảo cập nhật kiến thức mới về ngôn ngữ, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá...”.

Những khóa học này được Sở GD&ĐT Quảng Trị giới thiệu cho cộng đồng giáo viên dạy tiếng Anh tại địa phương và thầy cô tự đăng ký học theo tinh thần tự nguyện và người học được miễn phí. Hình thức chủ yếu là tập huấn trực tuyến. Nhờ vậy, giáo viên có điều kiện tham gia nhiều lớp học do giảng viên người nước ngoài đứng lớp, cũng thuận lợi hơn vì không phải di chuyển xa.

Tập huấn nhiều phương pháp dạy học hiện đại để vận dụng vào thực tế dạy - học, giờ học của cô Tu Rê Diệu Thu vì vậy bớt đi sự đơn điệu, tăng tương tác giữa học sinh - giáo viên, học sinh với học sinh nên việc tiếp nhận kiến thức không còn bị động. “Trước đây, tôi chủ yếu cho học sinh làm bài tập bằng hình thức viết. Giờ cũng là bài tập, nhưng sẽ tổ chức theo các tình huống, thảo luận nhóm... buộc các em phải rèn thêm kỹ năng nói kết hợp viết”, cô Thu ví dụ.

Thầy Nguyễn Thanh Bão đã đăng ký tham dự một số khóa học online về phương pháp dạy học tích cực. Ngoài thảo luận về các phương pháp dạy học tích cực, cùng với nhiều đồng nghiệp khác ở mọi vùng miền, thầy Bão được “chuyển giao” công nghệ dạy học hiện đại.

Ngoài giới thiệu phần mềm dạy - học để thiết kế nội dung bài học dưới dạng phim hoạt hình hay các trò chơi…, các thầy, cô giáo tham gia khóa học còn được giảng viên phân tích thế mạnh từng phần mềm, cách khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả, phát huy tích cực, chủ động của học sinh.

“Nhờ những khóa học trực tuyến do các cộng đồng giáo viên giới thiệu, tôi biết được đồng nghiệp ở những trường học khác đang không ngừng đổi mới, từ đó có thêm động lực để làm mới tiết dạy của mình.

Và không cứ những trường học vùng thuận lợi mới có thể ứng dụng công nghệ thông tin cùng các phương pháp dạy học mới mẻ, hiện đại vào tiết dạy; vấn đề là giáo viên phải biết chọn lọc, sáng tạo để phù hợp với mức độ tiếp nhận của học sinh”, thầy Bão thông tin.

Ngoài cộng đồng giáo viên Dạy học tích cực, thầy Bão cũng tham gia cộng đồng dạy học STEM, dạy Toán ứng dụng… Tuy nhiên, không phải tất cả thông tin, tài liệu được chia sẻ từ các khóa học trực tuyến đều được thầy áp dụng vào thực tế dạy học. Thế nhưng, thầy Bão vẫn chủ động tự tìm kiếm các khóa học dạy học tích cực sáng tạo để không bị thụt lùi trong chuyên môn.

“Tôi tự tin trong sử dụng PowerPoint để soạn giảng. Nhưng chỉ một năm sau, khi tìm hiểu để thiết kế giáo án điện tử, tôi mới thấy rằng những kỹ năng mà tôi có được trở nên lạc hậu. Nhiều thầy cô đã “nhúng” thêm vào các phần mềm khác nữa khi thiết kế giáo án với PowerPoint để bài giảng không chỉ dừng ở dạng trình chiếu mà có cả sự tương tác với học sinh”, thầy Bão kể.

Tại Trường THCS Long Hiệp, hầu hết học sinh của trường là dân tộc Hrê. Thời gian đầu, các em gặp khó khăn trong việc học môn Tin học. Để khắc phục tình trạng này, thầy Nguyễn Văn Hưng - giáo viên môn Tin học thiết kế phần mềm quản lý lớp học để theo dõi kết quả học tập; đồng thời ứng dụng các trò chơi trực tuyến, kiểm tra và chấm điểm trắc nghiệm. Nhờ vậy, học sinh hứng thú, chủ động hơn trong việc học bộ môn.

Ứng dụng công nghệ trong quản trị trường học

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam cho rằng, website trường học nếu được đầu tư, khai thác hết tính năng sẽ là công cụ quản trị trường học. Khi thực hiện kiểm định chất lượng các trường phổ thông, website như quy định bắt buộc phải có. Nhà trường đã mua tên miền độc lập để đảm bảo dung lượng và cải thiện tốc độ truy cập vào website.

“Ở trường chúng tôi, hoạt động giáo dục lớn, kế hoạch bài dạy, bài giảng E-learning… đều được đăng tải lên website. Ngay cả việc xây dựng đề kiểm tra của giáo viên tổ chuyên môn cũng gửi về ban giám hiệu thông qua công cụ trên website”, thầy Chín chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị trường học, theo nhận định của thầy Võ Đăng Chín, giúp công tác lưu trữ hồ sơ, báo cáo… tốt hơn. Ở bất cứ thời điểm, không gian nào, người quản lý cũng có thể duyệt đề kiểm tra, kế hoạch bài giảng; tìm kiếm rất nhanh các số liệu, biểu mẫu… để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, báo cáo… Nhà trường và bản thân giáo viên cũng tiết kiệm được chi phí vì không phải mua giấy in ấn nhiều.

Mỗi năm, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam chi khoảng 25 triệu đồng để duy trì phần mềm quản lý giáo án, thư viện số, phần mềm quản lý cơ sở vật chất, chấm cơm cho học sinh bán trú…

Thầy Nguyễn Thanh Bão cho biết, với phần mềm quản lý kế hoạch bài dạy, tổ chuyên môn và ban giám hiệu có thể kiểm tra hồ sơ dạy học bất cứ lúc nào mà không phải yêu cầu giáo viên nộp hồ sơ vật lý như trước đây. Duyệt kế hoạch bài dạy trên máy tính, theo thầy Bão, các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có thể tham khảo thêm một số thông tin từ các nguồn khác để góp ý, bổ sung cho giáo viên rất thuận tiện.

Tương tự, Trường THPT Hướng Phùng (Quảng Trị) cũng đẩy mạnh số hóa hồ sơ hoạt động giáo dục, sổ điểm và chữ ký điện tử. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thịnh, trường ký hợp đồng mua phần mềm của VNPT về sổ điểm điện tử, chữ ký số và triển khai học bạ, hồ sơ điện tử, giảm chi phí in ấn cho giáo viên, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số của trường còn một số khó khăn như kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin lớn, thiết bị hay hư hỏng, tốc độ truy cập của một số website có liên quan đến giáo dục chậm…

Phòng GD&ĐT Bắc Trà My (Quảng Nam) đưa hệ thống học và thi trực tuyến lên website của phòng. Học sinh các trường đều có tài khoản trên hệ thống này và vào ôn tập ngay sau mỗi bài học. Giáo viên có thể tham khảo hệ thống câu hỏi ở phần mềm này để xây dựng đề kiểm tra cuối học kỳ, nhất là với những câu hỏi trắc nghiệm.

Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My cho biết, theo truy vết trên hệ thống, các trường cho học sinh vào luyện tập ở hệ thống này khá nhiều. Trường nội trú đã khai thác phòng Tin học để học sinh củng cố kiến thức, cũng là giảm bớt áp lực cho giáo viên vì có thể đánh giá được mức độ nắm bắt kiến thức của các em mà không cần chấm bài bằng tay.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ung-dung-cong-nghe-trong-giang-day-quan-ly-rut-ngan-khoang-cach-vung-mien-post709689.html