Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa: Đưa di sản đến gần du khách
Các thành tựu của chuyển đổi số giúp đưa văn hóa nghệ thuật, di sản vào tương tác, hấp dẫn hơn với khán giả, du khách trong và ngoài nước.
Diện mạo mới - cơ hội mới
Theo thống kê, kho tàng di sản đồ sộ của Việt Nam hiện có 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cùng với 8.000 lễ hội... Đây là tài sản vô giá cần được số hóa nhằm phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
Nhiều địa phương và thành phố lớn nơi có nhiều di sản văn hóa như: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế,… đã và đang làm tốt, đồng bộ công tác chuyển đổi số, tiên phong “dẫn đường” cho những địa phương khác. Như ở Hà Nội, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám liên tục triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm, mang lại sự thuận tiện và hứng thú cho khách tham quan.
Có thể kể tới như: áp dụng vé điện tử thay thế bán vé thủ công, hệ thống trợ lý du lịch ảo sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI), ứng dụng công nghệ số hóa 3D để du khách có thể tham quan ảo trên Internet, hay trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR360, tương tác với những di sản tiêu biểu và tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám những thế kỷ trước,…
Đặc biệt là chương trình trình chiếu 3D mapping về đêm kết hợp hiệu ứng ánh sáng đã thực sự mang đến một diện mạo mới hoàn toàn của khu di tích đến với khách tham quan, tạo nên những trải nghiệm mới, những cảm xúc khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá ban ngày.
Bên cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những điểm đến di sản khác của Thủ đô như Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã đưa hệ thống trưng bày ảo 3D vào phục vụ du khách, mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho người xem. Di tích Hoàng thành Thăng Long đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR3D để du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di sản một cách sống động.
Công nghệ cũng “đánh thức” tiềm năng về đêm của tour tham quan tháp nước Hàng Đậu và nhà ga xe lửa Gia Lâm - hai địa danh kiến trúc quen thuộc nhưng chưa được đưa vào khai thác du lịch của Thủ đô. Đặc biệt, du khách được nâng cao trải nghiệm số hóa khi đăng ký mua vé trực tuyến và nhận vé điện tử thông qua mã QR qua email.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản được xem là một nội dung quan trọng để vừa bảo tồn, gìn giữ vừa mở rộng, giao lưu, phát huy các giá trị di sản, góp phần quảng bá di sản Việt Nam ra thế giới. Thừa Thiên Huế chính là một điển hình khi triển khai từ sớm các giải pháp số hóa các sản phẩm du lịch, công trình di tích, hình thức trình diễn nghệ thuật, nghề truyền thống và các món ẩm thực đặc trưng…
Do sở hữu nhiều giá trị văn hóa, du lịch, địa phương này trước hết tập trung vào các nền tảng, giải pháp để quản lý thông minh trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và trở thành một xu thế chung tất yếu trong các lĩnh vực, như xây dựng các tiện ích phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt…
Cùng với đó là các sản phẩm du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), 3D mapping, hệ thống thuyết minh tự động, quét mã QR-Code… cũng được triển khai ở các điểm du lịch, khu di tích, giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.
Tận dụng mọi lợi thế
Theo báo cáo nền kinh tế số của sáu quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á (E-Conomy SEA) năm 2023 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Dự báo tổng giá trị hàng hóa tăng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 45 tỷ USD vào năm 2025. Du lịch trực tuyến tại Việt Nam đạt giá trị 5 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2025 và 10 tỷ USD vào năm 2030. Nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng vươn cao hơn nữa nhờ vào các yếu tố như sự phổ biến của các ứng dụng số hóa và lực lượng lao động công nghệ nội địa tự đào tạo có tay nghề cao đang thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo.
Theo đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với xu thế thời đại. Nhiệm vụ này vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ vừa mở rộng, giao lưu, phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh lĩnh vực di sản, lĩnh vực điện ảnh cũng đã khởi động đề án “Trung tâm phát hành phim trực tuyến” sau đổi thành “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”. Lĩnh vực âm nhạc ghi nhận chuyển đổi số phát huy tốt hiệu quả trong lĩnh vực quyền tác giả. Lĩnh vực sân khấu dù vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, nhất là sân khấu truyền thống, nhưng nhu cầu ứng dụng công nghệ số vào việc lưu giữ các tư liệu phục vụ cho đào tạo và biểu diễn đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
Ngoài ra, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý điều hành, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các đơn vị quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ.
Như vậy, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Đến nay có thể khẳng định hệ thống cơ chế chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa đã cơ bản được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng số được tăng cường đầu tư, các nguồn lực về con người và tài chính cũng được chú trọng.
Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Dù là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay, quá trình chuyển đổi số trong văn hóa vẫn còn không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ để thực hiện hiệu quả. Đơn cử, một số địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khá xa lạ với cụm từ “chuyển đổi số” trong văn hóa do hạn chế về cơ sở vật chất hạ tầng mạng, trang thiết bị nghèo nàn, nguồn nhân lực thiếu và yếu, kinh phí hạn hẹp, nhận thức hạn chế...
Ở các tỉnh, thành trên cả nước, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản nói riêng và toàn ngành văn hóa nói chung cũng diễn ra chủ động, sáng tạo, tùy vào thế mạnh mỗi địa phương.
Tại Quảng Nam, khu di tích Mỹ Sơn cung cấp cho du khách một sản phẩm trực tuyến thông qua hệ thống thế giới ảo công nghệ Metaverse - một hệ thống dựa trên 3 nền tảng công nghệ gồm không gian trải nghiệm VR360, Metaverse spy và Map 3D.
Tỉnh Thanh Hóa đã kết hợp thực tế ảo với các video clip 360 độ và đồ họa 3D vào ứng dụng điện thoại thông minh để biến các địa điểm du lịch nổi tiếng như Lam Kinh và thành Nhà Hồ trở nên sống động.
Tỉnh Bình Định đã cho triển khai ứng dụng quét mã QR code, thực hiện số hóa tư liệu hiện vật bảo tàng bằng phần mềm 3D và trưng bày ảo tại bảo tàng Bình Định, bảo tàng Quang Trung, hướng tới xây dựng mô hình bảo tàng 3D ảo để du khách trực tiếp khai thác thông tin từ phần mềm. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng triển khai hệ thống QR code hỗ trợ thuyết minh tại 7 cụm tháp Chăm trên địa bàn để khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu thông tin, nghe thuyết minh về nền văn minh Chăm Pa.