Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để phát triển bền vững nông thôn
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm suy thoái đất cũng như nâng cao năng suất trong nông nghiệp thì áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm là giải pháp rất hữu ích.
Tưới tiết kiệm nước đã được áp dụng thành công tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những vùng khô hạn và vùng có nguồn nước khó khăn. Công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt chính là một trong số những lựa chọn hàng đầu trong việc thúc đẩy phát triển thủy lợi.
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hương, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Công nghệ tưới tiết kiệm nước được đưa vào Việt Nam từ khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước. Hiệu quả của công nghệ tưới tiết kiệm nước là tính chủ động và tiết kiệm được lượng nước tưới từ 20% - 40% (thậm chí với một số loại cây trồng có thể tiết kiệm được 60 - 70%) so với phương pháp tưới truyền thống. Bên cạnh đó, công nghệ tưới tiết kiệm còn làm tăng hiệu quả tưới, tăng năng suất và ổn định chất lượng sản phẩm cây trồng, có thể kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới và giảm chi phí sản xuất.
Về tổng thể, tưới tiết kiệm nước giảm tới 80% - 95% chi phí nhân công tưới; giảm 15 - 25% khối lượng và chi phí phân bón; đồng thời tăng năng suất cây trồng từ 10% - 20%, đặc biệt, với cây mía thì làm tăng năng suất tới 45 - 55%.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội so với tưới truyền thống, nhưng việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do cách tiếp cận chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch thủy lợi gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Sự tham gia của doanh nghiệp còn ít, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân, tổ chức kinh tế, xã hội để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm chưa hoàn thiện nên chưa tạo được động lực.
Mặt khác, thông tin, tuyên truyền về giải pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nông dân còn thiếu và yếu; chi phí đầu tư, đặc biệt là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là cao so với đầu tư tưới theo phương pháp truyền thống.
Tuy vậy, trong những năm gần đây sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được doanh nghiệp quan tâm. Với những ưu điểm vượt trội như đã nêu trên, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước luôn là mối quan tâm, lựa chọn của doanh nghiệp để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch, thông minh trong quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản để tăng năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp có mô hình sản xuất nông nghiệp lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao với sự kết hợp và ứng dụng đồng bộ giữa công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với các công nghệ khác (giống, sinh học, vật liệu mới, thông tin...), cơ giới hóa, tự động hóa... là một trong những hướng đi chính và đã đạt được những thành công rõ rệt, trở thành những thương hiệu lớn trên thị trường.
Việc đạt được những thành tựu nhất định khi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã tạo ra sự chuyển biến, hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức và hành động của nông dân, các hộ sản xuất cũng như các cấp chính quyền đối với việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuât nông nghiệp; cách thức làm thủy lợi, làm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng phó với hạn hán.
Cho đến nay nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc, sáng tạo trong việc triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở các vùng, miền, tiêu biểu như: Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lào Cai...
Thực tiễn những năm qua đã cho thấy, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã đóng góp hữu hiệu vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sạch, nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó hạn hán, biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường cũng như tạo ra tiền đề quan trọng để hoạch định các chính sách khai thác hiệu quả hơn tiềm năng về đất, nước và góp phần làm cho khu vực nông thôn khang trang, phát triển hơn.
Ở những vùng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu như: Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long... thì tưới tiết kiệm nước ngày càng được người dân quan tâm, áp dụng rộng rãi với tỷ lệ ứng dụng tăng rõ rệt. Nhất là sau năm 2016 (tăng từ 37% - 236%) với tỷ lệ tăng cao nhất tại Tây Nguyên (236%) và Đồng bằng sông Cửu Long (115%) - chính là các vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016.
Thực tế này cho thấy tưới tiết kiệm nước đã và đang chứng tỏ là một giải pháp căn cơ để chủ động thích ứng, ứng phó hiệu quả với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng đất dốc, đất cát, sa mạc hóa, hoang hóa.
Tưới tiết kiệm nước gắn với sử dụng hệ thống đường ống áp lực đã và đang đem đến sự đổi mới trong tư duy, cách làm thủy lợi ngay trên những vùng có tiềm năng về diện tích, nhưng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp thông thường và khó khăn cho phát triển thủy lợi theo cách truyền thống như vùng đất dốc, vùng đồi núi, đất cát ven biển, sa mạc và hoang hóa.
Đã có những mô hình tưới tiết kiệm nước ở những vùng này mang lại hiệu quả, điển hình là hàng trăm mô hình tưới tiết kiệm nước cho cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả trên đất dốc ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; mô hình tưới tiết kiệm nước cho 300 ha chuối trên đất đồi huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; mô hình tưới cho trên 50 ha rau, củ, quả trên vùng đất cát hoang hóa ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; hàng trăm mô hình tưới tiết kiệm nước cho rau quy mô hộ gia đình trên vùng đất cát huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hương cho rằng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cùng với các giải pháp công nghệ về giống phân bón, tự động hóa đã được ứng dụng hiệu quả cao, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo, phát triển nông thôn mới.
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã được một số địa phương như Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh... xác định là một trong các tiêu chí cho mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu.
Những kết quả đạt được ở trên đã góp phần quan trọng vào các thành tựu phát triển của ngành nông nghiệp trong những năm qua làm tăng năng suất, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau... Điều này cũng góp phần tăng thu nhập người dân; tiết kiệm nước và đóng góp hữu hiệu trong ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cải thiện diện mạo, thế và lực vùng nông thôn.