Ứng dụng công nghệ 'xanh hóa' nhà máy, khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 8-8, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo 'Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững', do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: H.Tuấn.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: H.Tuấn.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Hồ Thị Quyên cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm nay, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố Hồ Chí Minh thu hút được hơn 1,2 tỷ USD”.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Tuấn

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Tuấn

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc điều hành của nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP Nguyễn Hương Quỳnh nhận định: Chuyển đổi xanh cần phải trở thành một chiến lược cấp thiết để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, có 5 xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh cần được các doanh nghiệp thực hiện, gồm: Tối ưu hóa năng lượng; sản xuất sản phẩm bền vững; giảm thiểu rác thải và tái chế; tăng cường công nghệ thông minh; tiếp cận sản xuất tinh gọn.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng CAS (CAS Energy) Trần Anh Đông nhấn mạnh vai trò quan trọng của các khu công nghiệp sinh thái để Việt Nam tham gia và cạnh tranh hiệu quả khi “luật chơi sản xuất xanh - xuất khẩu xanh” ngày càng siết chặt.

Ông Trần Anh Đông cũng chỉ ra, việc chuyển đổi xanh đặt các doanh nghiệp sản xuất vào thế khó về nhiều mặt, như tài chính, nguồn lực, chính sách hỗ trợ… Do đó, doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp giúp tích hợp năng lượng tái tạo và tối ưu hóa chi phí, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia, diễn giả đã tập trung phân tích, thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, khu công nghiệp phía Nam khi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; chia sẻ một số bài học, kinh nghiệm và gợi ý các giải pháp công nghệ thực tế. Các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng được kết nối, nhận tư vấn trực tiếp cùng các chuyên gia.

Các nội dung chia sẻ của hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy các định hướng quan trọng theo đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” của UBND thành phố Hồ Chí Minh; đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon...

Minh Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ung-dung-cong-nghe-xanh-hoa-nha-may-khu-cong-nghiep-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-674236.html