Ứng dụng gọi xe Việt làm gì để cạnh tranh Grab?
Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, nhiều ứng dụng gọi xe trong nước được đầu tư hàng triệu USD nhưng vẫn lẹt đẹt trước 'ông lớn' Grab.
Theo báo Đầu Tư, cuối tháng 8/2018, VinaCapital thông báo thành lập quỹ Đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, quy mô 100 triệu USD để đầu tư vào các start-up công nghệ.
Hai khoản đầu tư đầu tiên của VinaCapital Ventures dành cho Logivan và FastGo - các start-up về giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông - vận tải tại Việt Nam.
Trong đó, giá trị đầu tư của VinaCapital Ventures và các đối tác Ethos Partners, Insignia Venture Partners vào Logivan là 1,75 triệu USD, còn con số đầu tư vào FastGo được tiết lộ là hơn 3 triệu USD.
FastGo chính thức ra mắt thị trường tại Hà Nội ngày 12/6/2018 và TP.HCM ngày 10/8/2018. Sau 3 tháng hoạt động, FastGo đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại 2 thành phố lớn này.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc công ty Cổ phần FastGo Việt Nam cho biết, trong năm nay, FastGo Việt Nam sẽ ra mắt tại thị trường 50 triệu dân là Myanmar.
Trong khi đó, với khoản đầu tư 1,75 triệu USD lần này, bà Phạm Thị Khánh Linh, CEO Logivan cho biết, công ty sẽ mở rộng dịch vụ tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng; đồng thời nâng cấp các sản phẩm để phục vụ các công ty logistics lớn.
Logivan “trình làng” vào tháng 9/2017, là nền tảng công nghệ kết nối trực tiếp chủ hàng và chủ xe, giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí và thời gian cho dịch vụ logistics. Đến nay, Logivan đã kết nối với hơn 6.000 tài xế xe tải và hơn 1.000 người giao hàng.
Chưa biết sự đầu tư lần này có khiến các hãng gọi xe công nghệ nói trên trở thành đối thủ của Grab hay không, chỉ biết rằng hiện nay Grab vẫn dẫn đầu thị phần tại Việt Nam.
Trong quá khứ, thất bại của Uber tại thị trường Việt Nam dẫn đến phải sáp nhập vào Grab là một thách thức đối với bất cứ “tân binh” nào không trường vốn để chạy đua.
Báo Đầu Tư Chứng Khoán cho hay, công ty Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD để phát triển ứng dụng Vato. Theo đó, 5.000 lái xe đã rời Uber để sang Vato làm việc. Tuy nhiên, Vato chưa bứt phá được như kỳ vọng.
Có mặt đầu tiên tại Hà Nội và Hưng Yên, ứng dụng gọi xe T.net của đại học FPT tuyên bố giá cước sẽ rẻ hơn so với giá taxi truyền thống khoảng 20%. Song, T.net cũng chưa được nhiều người biết đến một phần do T.net chưa đẩy mạnh truyền thông.
Cùng với đó, hàng loạt ứng dụng gọi xe Việt như Mai Linh Bike, T.Net, 123Xe, Xelo… dù được đầu tư lớn, nhưng vẫn còn lẹt đẹt.
Tuy nhiên, có một thực tế là, sau khi Uber ngừng hoạt động, những biểu hiện "ngôi sao" của Grab như tăng giá cước trong giờ cao điểm, khó gọi xe khi thời tiết không thuận lợi, lái xe có phần "chảnh" đối với khách đi chặng ngắn... đã khiến khách hàng có xu hướng tìm đến các ứng dụng gọi xe của người Việt.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe Xelo, nếu các ứng dụng gọi xe công nghệ Việt được phát triển bài bản, có chế độ đãi ngộ tốt, hỗ trợ khách hàng tối đa... thì có thể cạnh tranh sòng phẳng với "ông lớn" Grab.
Chẳng hạn, trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9, FastGo và T.Net cùng giảm 20.000 đồng/chuyến đi cho khách hàng. Mừng gia nhập thị trường Đà Nẵng, FastGo tặng cho khách hàng sử dụng ứng dụng 100.000 đồng/khách, giảm 80% (tối đa 30.000 đồng) với 5 chuyến đi cho khách hàng đặt xe...
Để thu hút đội ngũ lái xe, T.Net đưa ra chương trình thưởng như thưởng 50.000 đồng cho lái xe khi hoàn thành 5 chuyến đi, mức thưởng được nâng lên 100.000 đồng, 200.000 đồng khi lái xe hoàn thành tương ứng 15 và 20 chuyến đi...
Theo giới quan sát, một trong những ưu điểm của của FastGo là không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe theo tỷ lệ phần trăm, mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày.
Để gia tăng sức hút, FastGo còn có chương trình miễn phí dịch vụ trọn đời cho 500 đối tác đầu tiên và khách hàng sử dụng dịch vụ FastGo sẽ được hưởng gói bảo hiểm Fast Protection trên mỗi chuyến đi, với mức bảo hiểm trị giá 200 triệu đồng/khách hàng.
Tuy vậy, Grab lại vừa huy động được thêm 2 tỷ USD từ các quỹ OppenheimerFund, Ping An Capital, Lightspeed Venture Partners và 1 tỷ USD tiền đầu tư từ Toyota. Với các khoản đầu tư này, Grab hiện được định giá hơn 10 tỷ USD và là đối thủ lớn nhất thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam.
Và một trở ngại khác nữa, các ứng dụng gọi xe Việt còn phải đối mặt với các ứng dụng công nghệ gọi xe nước ngoài khác đang và sắp có mặt tại thị trường Việt Nam, như Go-Jek (Indonesia), MVL (Singapore)…
Trong đó, đáng gờm nhất là Go-Jek, ứng dụng gọi xe nổi tiếng của Indonesia được định giá 6 tỷ USD và tuyên bố đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Ngày 1/8/2018, Go-Viet (công ty con của Go-Jek tại Việt Nam) đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam. Sau 1 tháng kinh doanh, Go-Viet cho biết đã nắm tới 15% thị phần và công ty đang có kế hoạch tiến ra Hà Nội.
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, đồng thời là Chủ tịch hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội, cho biết, khi Grab đã xác lập vị trí thống lĩnh thị trường, rất khó để ứng dụng nào đó có thể cạnh tranh, lấy lại thị phần.
Việc Go-Viet tung các chương trình khuyến mại để thu hút cả tài xế và khách hàng cũng chỉ là áp dụng chiêu thức cũ của Grab, không có gì đột phá.
Ông Liên cảnh báo khách hàng có thể đến Go-Viet bằng giá rẻ thì cũng hoàn toàn có thể bỏ đi khi không còn khuyến mại, giá cả tăng lên. Nếu không chứng minh về sự vượt trội, Go-Viet khó có thể giữ chân khách hàng lẫn đối tác.
Trong khi đó, theo ông Liên, các ứng dụng Việt vẫn còn yếu cả về công nghệ và nguồn lực. Các ứng dụng Việt muốn lấy thị phần trước hết phải có một phần mềm thật thông minh, nhanh nhạy, đáp ứng sự trải nghiệm của khách hàng. Ngoài ra, cần phải có một nguồn lực tài chính dồi dào, chiến lược thông minh để lôi kéo khách hàng, tài xế.
“Không được nóng vội mà cạnh tranh trực diện với Grab, Go-Viet bởi mình yếu cả về công nghệ và nguồn lực. Cần phải đi từng bước một, lấy lại thị phần ở từng tập khách hàng, từng khu vực bằng những giá trị riêng, những chiến lược thông minh”, ông Liên nói.
H.Y (tổng hợp)