Ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng hàng hóa

Tình trạng hàng giả, thực phẩm kém chất lượng đang ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi số trong quản lý sản phẩm, nhất là ứng dụng truy xuất nguồn gốc qua mã QR, là yêu cầu cấp thiết nhằm minh bạch thông tin và tăng cường giám sát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khách hàng dễ dàng tìm hiểu thông tin hàng hóa có hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Khách hàng dễ dàng tìm hiểu thông tin hàng hóa có hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Từ thực tế này, đã đến lúc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần chủ động chuyển đổi số để xây dựng một hệ thống minh bạch, hiệu quả hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng và chống hàng giả, qua đó thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Bài 1: Thiếu truy xuất, người tiêu dùng thiệt thòi

Việc các bộ, ngành được phân công và doanh nghiệp triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia sẽ làm giảm tình trạng gian lận trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc sử dụng mã QR không đúng mục đích để truy xuất nguồn gốc lại đang trở nên khá phổ biến.

Công cụ miễn phí nhưng doanh nghiệp thờ ơ

Gần đây, dư luận rúng động trước hàng loạt vụ việc liên quan sức khỏe của người tiêu dùng, như: Sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc; đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả tinh vi với quy mô lớn của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group; sản phẩm kẹo rau củ Kera quảng cáo lừa dối khách hàng…

Đường đi của những sản phẩm giả đã rõ, tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chức năng trong từng vụ việc vẫn còn nhiều bất cập, cho thấy sự cần thiết phải có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn trong công tác kiểm soát và xử lý vi phạm.

Một vấn đề đặt ra từ những vụ việc nghiêm trọng nêu trên là mặc dù đã có công cụ để kiểm soát, ngăn chặn những hành vi vi phạm, nhưng chúng ta không sử dụng, đó là thực hiện việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc hàng hóa từ phía doanh nghiệp và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc từ cơ quan quản lý.

Phân tích vụ việc kẹo Kera, đại diện một đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc cho rằng, các đối tượng đã quảng cáo gian dối là mua bột rau từ các nông trại theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu doanh nghiệp thực hiện kê khai đầy đủ chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn của các bộ, ngành và địa phương, đồng thời thông tin được đồng bộ lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận và kiểm chứng thông tin minh bạch. Khi đó, các hành vi gian lận sẽ sớm bị phát hiện và xử lý kịp thời.

Theo bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển, nếu các công ty như Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản của thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn) hoặc Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (truyxuatnguongoc.gov.vn), thì không chỉ được tập huấn, hướng dẫn kê khai thông tin theo tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc mà còn chịu sự giám sát thường xuyên của các cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm.

Nhờ đó, người tiêu dùng, nhất là nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người bệnh - sẽ tránh được nguy cơ sử dụng các sản phẩm kém chất lượng như sữa giả, thuốc giả từng gây lo ngại trong thời gian qua.

Hệ thống truy xuất của Hà Nội là nền tảng công do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư và khai thác từ năm 2018 đến nay, miễn phí cho doanh nghiệp, được xây dựng trên nền tảng công nghệ CheckVN để truy xuất nguồn gốc và xác thực sản phẩm, hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp được khuyến khích tham gia hệ thống này, được cấp tài khoản để kê khai thông tin sản phẩm lên hệ thống. Hệ thống sẽ tự động tạo mã QR cho từng lô sản phẩm để doanh nghiệp sử dụng. Các thông tin bắt buộc để bảo đảm minh bạch về sản phẩm như mã số lô sản xuất, ngày sản xuất, thành phần, nguyên liệu, vùng trồng, cơ sở sản xuất…

Những thông tin này công khai, được giám sát bởi cơ quan quản lý khi sản phẩm lưu thông và sự giám sát của người tiêu dùng. Với cơ chế công khai và giám sát đó, doanh nghiệp khó có thể làm trái những gì đã công bố. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Được biết, hiện cả nước có 11 tỉnh, thành phố đã sử dụng giải pháp công nghệ này để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là do chưa bắt buộc doanh nghiệp phải truy xuất nguồn gốc cho nên doanh nghiệp còn thờ ơ sử dụng hệ thống và các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng chưa tham gia đầy đủ vào hệ thống để vận hành kiểm soát nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực của mình quản lý.

Gắn mã QR chỉ để trang trí

Một điểm đáng chú ý trong vụ việc sản xuất, tiêu thụ sữa giả nêu trên là sản phẩm có mã QR nhưng thông tin trong mã QR không đáp ứng các yêu cầu truy xuất minh bạch. Theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành TCVN12850:2019 về truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc và Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thì truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa gồm tối thiểu các thông tin như: Tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, thực trạng đáng quan tâm là tình trạng mã QR không thể truy xuất nguồn gốc như quy định đang tràn lan trong các siêu thị.

Khảo sát nhanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại có quy mô lớn như GO Mart, Win Mart, Lotte Mart, AEON Mall, BRG Mart, Haprofood, Co.op Mart... hầu hết sản phẩm thực phẩm, rau quả đều được gắn mã QR. Truy xuất thông tin từ QR bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh cho thấy, nội dung trong QR có “muôn hình vạn trạng”. Phổ biến nhất là xuất hiện trang thông tin giới thiệu doanh nghiệp, nhà sản xuất, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp, thậm chí hiện lên dòng chữ lỗi kết nối...

Phần lớn sản phẩm, mã QR không có thông tin truy xuất theo quy định. Có doanh nghiệp “lách” quy định khi mã QR cho ra dòng chữ “Thông tin truy nguyên” thay vì thông tin truy xuất, với những thông tin chung chung về doanh nghiệp và sản phẩm.

Tình trạng này cho thấy một thực tế đáng lo ngại là mã QR đang bị lạm dụng như một trang sức công nghệ, khiến người tiêu dùng nhầm tưởng sản phẩm đã được kiểm soát nguồn gốc. Các chuyên gia cho rằng, thực trạng này tạo lỗ hổng cho hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi vào hệ thống phân phối. Do đó, để thật sự ngăn chặn tình trạng gian lận và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc phải được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ hơn, không chỉ là khuyến khích mà cần có các cơ chế bắt buộc.

Mã QR chỉ phát huy giá trị khi được tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng và sự tham gia nghiêm túc từ phía doanh nghiệp. Để giải quyết tận gốc tình trạng hàng giả, hàng nhái, cần xem xét xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và cơ chế bắt buộc truy xuất đối với các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, tạo nền tảng vững chắc cho một thị trường minh bạch và an toàn.

(Còn nữa)

HÀ LINH-THƯỜNG ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-dung-he-thong-truy-xuat-nguon-goc-de-quan-ly-chat-luong-hang-hoa-post876677.html