Ứng dụng KH-CN: Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương được triển khai tại TX Sông Cầu thay thế cho các đối tượng nuôi kém hiệu quả. Ảnh: THÁI HÀ
KH-CN đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, đồng thời giúp người dân sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý để phục vụ sản xuất.
Ứng phó với thời tiết cực đoan
Trước bối cảnh môi trường suy thoái, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nông nghiệp xanh đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu; đồng thời tăng trưởng xanh cũng trở thành thách thức rất lớn đối với các địa phương trong nước, trong đó có Phú Yên.
Ông Dương Văn Nghi ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa canh tác 7 sào đất trồng bơ và mãng cầu. Các loại cây trồng này đã vào năm thứ tư nhưng vì nắng hạn kéo dài, thiếu nước nên ông Nghi quyết định không cho ra trái để bảo vệ cây. Để lấy ngắn nuôi dài, ông Nghi trồng thêm ớt, nhưng nắng hạn cũng làm cây còi cọc. Nhờ đợt mưa cuối tháng 8, cây mới bắt đầu ra hoa dù kém phát triển. Chia sẻ khó khăn về việc làm nông, ông Nghi cho biết: “Ba năm trở lại đây, thời tiết diễn biến rất cực đoan, nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài hơn những năm trước. Tôi đã khoan giếng 30m nhưng mùa này không có nước, cây chỉ cầm chừng chờ trời mưa. Tới đây, tôi định khoan giếng 50m để có nước tưới. Thật ra cũng còn may vì cây vẫn cầm cự được, chứ trên địa bàn huyện, nhiều nơi keo, mía cháy vì nắng nóng”.
Tại huyện Sông Hinh, theo ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTX Eabar EMI farm, thời gian vừa qua rất khó khăn với người nông dân khi nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới trầm trọng và dịch bệnh gây hại mạnh trên cây trồng. Vì vậy, thời gian tới, việc chọn cây trồng phù hợp và thay đổi cách canh tác mới có thể mang lại hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN-MT, BĐKH đã tác động tiêu cực đến tài nguyên đất, rừng, đa dạng sinh học cũng như tài nguyên biển và khoáng sản, năng lượng. Riêng Phú Yên là một tỉnh ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về BĐKH nên dễ tổn thương trước tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới. Những năm gần đây, sự biến động thất thường của thời tiết dẫn đến các đợt nắng nóng kéo dài và lượng mưa suy giảm khiến tình hình hạn hán diễn ra thường xuyên theo chiều hướng phức tạp và khốc liệt hơn trên địa bàn tỉnh. Để ứng phó với BĐKH, tỉnh đã xây dựng, phát triển hệ thống giám sát BĐKH; đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng với BĐKH trong từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là ngành Nông nghiệp vốn dễ bị tổn thương.
Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Thời gian qua, Phú Yên đã và đang áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với diễn biến khó lường của thời tiết.
Ngành Nông nghiệp tỉnh mạnh dạn sử dụng các cây trồng thích ứng với BĐKH; triển khai nuôi trồng các đối tượng mới góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. Điển hình như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã nghiên cứu tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới: mô hình nuôi tôm hùm có xử lý chất thải, nuôi tôm hùm lồng xa bờ theo công nghệ Nauy, nuôi tôm thẻ theo công nghệ biofloc, nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cua lột trong hệ thống bể tuần hoàn, nuôi hàu Thái Bình Dương. Lĩnh vực trồng trọt đưa vào sử dụng giống lúa siêu xanh GSR90, GSR65 năng suất cao (trên 80 tạ/ha) chất lượng tốt, thích ứng với BĐKH. Lĩnh vực chăn nuôi đã xây dựng mô hình xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học Balasa-N01 trong chăn nuôi gà nông hộ; nghiên cứu bổ sung các chế phẩm sinh học probiotic, Mano-Glucan để tăng cường sức khỏe và nâng cao năng suất đàn heo nuôi…
Nhằm khôi phục và tăng độ màu mỡ cho đất thông qua việc tăng cường sử dụng chất dinh dưỡng được sản xuất bằng phương pháp bền vững và tự nhiên, các nhiệm vụ khoa học liên quan đến chế phẩm vi sinh đã được triển khai thực hiện. Năm 2020, Phú Yên sản xuất thành công chế phẩm vi sinh PYMIC giúp xử lý chất thải hữu cơ, khử mùi hôi chuồng trại, tăng độ phì cho đất, hiệu quả cho cây trồng. Sản phẩm sau khi được sử dụng rộng rãi đã nhận được phản hồi tốt từ người dân. Gần đây, tháng 7/2021, Hội đồng KH-CN tỉnh đã thông qua nhiệm vụ “Nghiên cứu và sản xuất chế phẩm kết hợp oligochitosan, axit salicylic và silic nhằm tăng khả năng kháng sâu bệnh đối với cây trồng góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản” để đưa vào danh mục triển khai thực hiện trong năm 2022. Điều này nhằm góp phần tăng cường hiệu quả trong phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, tạo khả năng kích kháng tự nhiên cho cây, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường.
Ngoài chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Phú Yên đang triển khai ứng dụng công nghệ IoT cho một số đối tượng nuôi trồng mới như: cao lương ngọt, cây dược liệu mới, hoa lan. Ông Phạm Quốc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên, cho biết: Hệ thống dựa trên IoT không chỉ giúp nhà nông tiết kiệm nước và năng lượng mà còn làm cho nông nghiệp xanh hơn; giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Cách tiếp cận này cho phép thu được sản phẩm cuối cùng sạch hơn và hữu cơ hơn so với các phương pháp nông nghiệp truyền thống nên trên cùng một diện tích canh tác nhưng cho lợi nhuận cao hơn.
Theo Giám đốc Sở KH-CN Dương Bình Phú, Phú Yên đã sớm tiếp cận với xu hướng tăng trưởng xanh, tuy nhiên, để tạo ra động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu, phát triển công nghệ xanh, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thì còn nhiều việc phải làm. Thời gian tới, ngành khoa học tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động KH-CN, nhất là các hoạt động liên quan đến ngành Nông nghiệp để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.