Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm tôm hùm

Nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu. Ảnh: PV

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có bờ biển dài 189km. Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp mà diện tích nuôi tôm hùm của tỉnh đứng đầu trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và các yếu tố thuận lợi, việc phát triển sản phẩm tôm hùm còn rất nhiều vấn đề đặt ra…

Còn nhiều bất cập

Theo đề án Phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025 đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt thì việc phát triển nuôi tôm hùm tại Phú Yên với hai hình thức là nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ, với tổng diện tích nuôi 1.000ha, tập trung tại đầm Cù Mông (253ha), vịnh Xuân Đài (747ha) với tổng số 45.000 lồng. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng đã có quy hoạch nuôi tôm hùm lồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 thì các quy hoạch của tỉnh không còn hiệu lực. Mặc dù vậy, do lợi nhuận cao, người nuôi bất chấp mọi khuyến cáo, không theo quy hoạch, phát triển số lượng lồng nuôi ồ ạt… Điều đó gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý và sản xuất bền vững.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH-CN (trái) trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm bông Phú Yên. Ảnh: LỆ VĂN

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH-CN (trái) trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm bông Phú Yên. Ảnh: LỆ VĂN

Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, hơn 80% lượng giống tôm hùm đưa vào nuôi trên địa bàn thị xã có nguồn gốc nhập từ nước ngoài. Việc kiểm soát nguồn giống tôm hùm nhập về vượt khả năng của địa phương, do đó công tác sắp xếp, giao mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng bè, bảo đảm nuôi đúng trong vùng quy hoạch, nuôi đúng mật độ, số lượng lồng nuôi theo quy định gặp rất nhiều khó khăn.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, mặc dù tỉnh đã có quy hoạch tổng thể vùng nuôi tôm hùm, nhưng các địa phương còn thiếu kinh phí và kinh nghiệm quy hoạch chi tiết, chưa có quy định về việc giao, cho thuê mặt nước chi tiết. Cán bộ thú y cơ sở hầu hết kiêm nhiệm và không có chuyên môn về bệnh các loài nuôi ở môi trường nước. Hoạt động mua bán tôm giống diễn ra tự phát. Việc thu gom, xử lý chất thải, thức ăn cho tôm chưa được các địa phương và người nuôi xử lý theo phương thức quy định. Hiện tượng xả rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống đầm, vịnh diễn ra phổ biến… làm ô nhiễm môi trường, dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình nuôi tôm hùm.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng, hiện nay người nuôi tôm hùm ở Phú Yên chưa biết tự bảo vệ sinh kế của mình. Chính quyền đã khuyến cáo nuôi đúng quy hoạch, đúng mật độ nhưng người dân cứ tự ý tăng thêm lồng nuôi, dẫn đến không thể kiểm soát dịch bệnh là điều dễ xảy ra.

Cần ứng dụng KH-CN trong sản xuất

Hiện nay, các bất cập trong nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên đã và đang được tỉnh quan tâm tháo gỡ, tuy nhiên vẫn mang tính vụ việc và ngắn hạn. Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, để nâng cao giá trị cũng như có được môi trường sản xuất bền vững sản phẩm tôm hùm, còn rất nhiều vấn đề cần được xem xét giải quyết ở hầu hết các khâu từ quy hoạch, quản lý, tổ chức sản xuất, cung ứng giống, nuôi trồng, chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm tôm. Nhất là phải phát huy vai trò của KH-CN đối với việc phát triển sản phẩm tôm hùm Phú Yên.

Người dân TX Sông Cầu thu hoạch tôm hùm thương phẩm. Ảnh: LỆ VĂN

Người dân TX Sông Cầu thu hoạch tôm hùm thương phẩm. Ảnh: LỆ VĂN

Cũng theo ông Dương Bình Phú, thực tiễn cho thấy, giá trị gia tăng của sản phẩm tôm hùm không chỉ dựa vào diện tích nuôi, năng suất và sản lượng mà còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng nuôi và chế biến có đạt được các tiêu chuẩn nhất định để tham gia chuỗi cung ứng cũng như giá trị toàn cầu. Bởi sản phẩm tôm hùm có dư địa lớn trong xuất khẩu và tiêu dùng nội địa nhưng giá trị gia tăng và đặc biệt là giá trị thương hiệu nhận được từ việc cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý vẫn chưa định hình ngay thị trường trong nước và thế giới. Nguyên nhân chính là do chưa chủ động được nguồn giống có chất lượng, chưa có loại thức ăn đủ tiêu chuẩn được sản xuất trong nước... nên hầu hết phụ thuộc vào nhập khẩu. Do vậy, trong bối cảnh hội nhập, để giá trị sản phẩm được gia tăng thì một trong những yêu cầu cần đặt ra là sản phẩm đó phải tham gia được trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như nội địa. Để đạt được điều đó thì yêu cầu trong sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến cần phải ứng dụng các công nghệ hợp lý để sản phẩm đạt được những tiêu chuẩn theo quy định trong tiêu dùng. Vì vậy, việc lựa chọn công nghệ hợp lý cho từng công đoạn hoặc cả chuỗi sản xuất đối với một số sản phẩm chủ lực không thể khả thi nếu không có được sự phát triển bền vững.

“Nói cách khác, KH-CN phải được xem xét là nội dung nằm trong chuỗi sản xuất, được nghiên cứu đi trước để dẫn dắt tạo ra chuỗi sản xuất đồng bộ theo tiêu chuẩn và có giá trị cao. Việc nghiên cứu, đưa nội hàm KH-CN trong phát triển sản phẩm tôm hùm đóng vai trò động lực trực tiếp cho sản xuất, làm thay đổi cơ cấu và nâng cao được giá trị sản phẩm đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nhất là việc xây dựng và cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm Phú Yên không chỉ khẳng định thương hiệu mà còn là cơ sở khoa học để Phú Yên có những bước đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế nhằm sớm triển khai đề án “Phát triển sản xuất tôm hùm tỉnh Phú Yên đến năm 2030”, Giám đốc Sở KH-CN Dương Bình Phú nhấn mạnh.

Theo Sở NN-PTNT, tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 2.100 hộ nuôi tôm hùm thương phẩm, với khoảng 33.000 lồng; sản phẩm mỗi năm đạt 20 tấn, doanh thu 1.000 tỉ đồng.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/277339/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-phat-trien-san-pham-tom-hum.html