Ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững

Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng, phát triển đô thị bền vững…

Người dân trải nghiệm các tiện ích, ứng dụng số trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Người dân trải nghiệm các tiện ích, ứng dụng số trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Các thành tựu về khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như quy mô, phạm vi ứng dụng các thành tựu này ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dù hiện nay tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Nai đạt hơn 45%, cao hơn trung bình cả nước, nhưng việc phát triển đô thị trên địa bàn theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ vẫn chưa xứng tầm so với tiềm năng, lợi thế hiện có…

Tiền đề phát triển các đô thị thông minh

Theo nhiều chuyên gia, xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ như hiện nay là một trong những giải pháp giúp sớm đưa Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để đô thị thông minh có thể đi từ chính sách đến thực tiễn, ngoài việc xây dựng nền tảng về thể chế, chuẩn bị nguồn lực tài chính, con người, hạ tầng thì quan trọng nhất phải thay đổi tư duy từ người quản lý cho đến cư dân thì các thành phố mới có được bước đi đột phá, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Vào giữa tháng 12-2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai, Sở Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Đồng Nai tổ chức hội thảo Ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ phục vụ phát triển đô thị trong chuyển đổi số tại tỉnh Đồng Nai.

Phó trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo Tỉnh ủy NGUYỄN THỊ HỒNG TRANG chia sẻ, đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trọng tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; cũng như cần kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững…

Thạc sĩ Lê Văn Nghĩa, Trường Chính trị tỉnh, đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Đồng Nai tích cực xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số”. Theo Báo cáo tình hình triển khai đô thị thông minh bền vững của Bộ Xây dựng, Đồng Nai là một trong 20 tỉnh, thành phố tiến hành thực hiện Đề án Đô thị thông minh sớm nhất cả nước. Theo đánh giá, Đồng Nai có nhiều nền tảng sẵn có và sẵn sàng cho việc tích hợp để xây dựng đô thị thông minh.

Hiện nay, Đồng Nai đã bước đầu triển khai một số ứng dụng giám sát, điều hành thông minh như: thành lập trung tâm điều hành giao thông để tập trung giám sát hành trình xe buýt, hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, giám sát nguồn nước thải thông qua hệ thống trạm quan trắc tự động…

Thạc sĩ Lê Văn Nghĩa nhận định, trong những năm qua, Đồng Nai đã đặc biệt chú trọng đến vai trò của công nghệ thông tin trong đời sống kinh tế, xã hội. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh và đạt được những kết quả khả quan. Ngoài ra, nhiều năm liền Đồng Nai luôn nằm trong số các tỉnh, thành phố có chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ở mức khá và là một trong các tỉnh, thành phố đứng tốp đầu của cả nước trong sử dụng văn bản điện tử và thư điện tử. Đây chính là những tiền đề quan trọng để Đồng Nai đẩy mạnh phát triển mô hình đô thị thông minh.

Tương tự, theo tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE), để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện tại, Đồng Nai cần hướng tới mô hình đô thị thông minh. Không chỉ giúp tối ưu hóa năng lực quản lý đô thị, mô hình này còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, mô hình đô thị thông minh có tiềm năng thu hút đầu tư và cải thiện sức cạnh tranh kinh tế của Đồng Nai trên toàn quốc.

Để phát triển đô thị thông minh, Đồng Nai cần lưu ý đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm mạng lưới cảm biến IoT (internet vạn vật), dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Trong đó, có thể tham khảo triển khai các mô hình như: hệ thống IoT cho quản lý giao thông, xây dựng nền tảng dữ liệu mở, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý môi trường…

Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, công nghệ thông tin đã được áp dụng rộng rãi trong công tác hạ tầng đô thị trên toàn cầu và trong đó hệ thống thông tin địa lý (GIS) đóng vai trò quan trọng. GIS tích hợp dữ liệu đô thị có tọa độ (bản đồ) với các dạng dữ liệu khác nhau, giúp quản lý chọn địa điểm, quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị một cách hiệu quả.

Kết quả khảo sát trong tham luận “Xây dựng cơ sở dữ liệu và giải pháp số hóa quản lý hạ tầng đô thị cho thành phố Biên Hòa” của nhóm tác giả Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng khoa Kỹ thuật công trình, Trường đại học Lạc Hồng và Lê Chân Thiện Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ phần mềm kết nối số Việt Nam IOT Software, cho thấy đối với công tác quản lý hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố Biên Hòa, các quy trình nghiệp vụ được thu thập có liên quan đến đô thị tập trung xoay quanh các quy trình như: tiếp nhận và điều phối thông tin sự cố từ các cơ quan, đơn vị và người dân, báo cáo kết quả xử lý. Quy trình cung cấp, chia sẻ và đồng bộ hóa dữ liệu hạ tầng đô thị. Quy trình hỗ trợ việc báo cáo và thống kê hạ tầng đô thị…

Thạc sĩ Phạm Gia Hải, nguyên Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, cho rằng việc kết hợp sử dụng ảnh vệ tinh (RS) và kỹ thuật GIS cùng với điều tra đối chiếu thực địa với sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để thực hiện việc cập nhật, bổ sung và hiện chỉnh cơ sở dữ liệu nền đem lại hiệu quả tốt.

Trên cơ sở dữ liệu nền luôn được cập nhật, hiện chỉnh thì khả năng ứng dụng của công nghệ GIS, RS và GPS trong quản lý đô thị sẽ phát huy hiệu quả lớn. Nhờ đó giúp cho các cơ quan quản lý đưa ra những nhận định, quyết định đúng đắn cho kế hoạch quản lý đô thị.

“Bằng các công nghệ này, Đồng Nai sẽ có thể hình thành một cơ sở dữ liệu lớn hoàn chỉnh (Meta Data - siêu dữ liệu) phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, xây dựng một WebGIS có thể truy cập dễ dàng cho mọi đối tượng và xây dựng một khuôn khổ chung (framework) trong quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý đô thị” - ông Phạm Gia Hải đề xuất.

Hải Quân

Hưởng ứng Cuộc thi Bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trên môi trường số

Theo Sở Thông tin và truyền thông, Cuộc thi Bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trên môi trường số tỉnh Đồng Nai năm 2024 được tổ chức trong tháng 12 này. Đối tượng tham gia là tổ công nghệ số cộng đồng các cấp và người dân trên địa bàn Đồng Nai.

Cuộc thi do Sở Thông tin và truyền thông và Công ty CP Công nghệ và truyền thông VTC NetViet (đơn vị thuộc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Bộ Thông tin và truyền thông) phối hợp tổ chức với mục đích giúp người dân nâng cao nhận thức, xây dựng và phát triển kỹ năng số liên quan đến an toàn thông tin, bảo vệ tài khoản cá nhân trên môi trường số; nhận diện các mối nguy hại từ internet như lừa đảo trực tuyến, đánh cắp thông tin cá nhân hay phần mềm độc hại.

Từ đó, trang bị kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm trong tiếp cận nền tảng. Cuộc thi còn cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, lan tỏa thông tin, kiến thức về an toàn thông tin đến người dân…

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-thuc-day-phat-trien-do-thi-ben-vung-286541d/